Sáng 20-7-2010, 14 ngư dân Quảng Ngãi bị nạn do bão số 1 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã được hai tàu HQ 951 và HQ 952, thuộc Vùng C Hải quân đưa vào cập bến cảng Tiên Sa an toàn. Theo Thiếu tá Phạm Minh Sơn, Thuyền trưởng tàu HQ 952 thì cùng với việc cứu hộ tàu đánh cá, cứu chữa người bị thương, hai tàu hải quân còn dắt - kéo được 11 tàu ngư dân bị hỏng hóc, mắc cạn hoặc chìm từ Hoàng Sa…
Thành công rất đáng trân trọng đó của Vùng C Hải quân là kết quả của sự nỗ lực hết mình của cán bộ, chiến sĩ suốt 3 ngày đêm vật lộn cùng sóng dữ. Với tinh thần “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, ngay sau khi có lệnh, tàu lập tức ra khơi. Sự chuẩn bị chu đáo của công tác cứu nạn cũng là điều rất đáng được ghi nhận: Các tàu hải quân đem theo rất nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men, cán bộ, nhân viên y tế để kịp thời cứu trợ, cứu chữa cho những ngư dân bị thương, bị kiệt sức.
Chống bão như chống giặc theo nguyên tắc sẵn sàng “đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến” đã trở thành máu thịt của mỗi chiến sĩ hải quân nói riêng, anh Bộ đội Cụ Hồ trong trái tim, suy nghĩ của người dân cả nước nói chung. Đó cũng là biểu hiện rõ nhất, minh chứng ngời sáng nhất của tấm lòng bờ và biển cả. Ai cũng biết cuộc sống, sự mưu sinh của ngư dân là vất vả, khó khăn và nguy hiểm biết chừng nào! Họ không chỉ lao động cực nhọc mà còn phải đương đầu với biết bao nhân họa, thiên tai. Ngư dân là những người bám biển để khẳng định chủ quyền thực tế, góp phần to lớn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đất nước Việt quý yêu.
Chính vì thế, ngư dân xứng đáng được bảo vệ, giúp đỡ với khả năng cao nhất có thể của nhân dân cả nước. Tất nhiên, tấm lòng và nỗ lực của hậu phương (ngư trường xa bờ đã và đang là chiến trường, là tiền phương của công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, môi trường sống) chỉ có thể được cụ thể hóa, sức mạnh hóa bằng lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Hiểu rất rõ điều đó và làm hết sức mình để sát cánh cùng ngư dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bộ đội hải quân ngày nay. Theo Đại tá Ngô Sĩ Quyết, Chỉ huy trưởng Vùng C Hải quân thì công cuộc tìm kiếm nạn nhân trên biển vẫn được tiếp tục vì vẫn đang còn hàng chục ngư dân mất tích.
Khó có thể nói được niềm vui của các gia đình, người thân của 14 ngư dân được cứu sống sau khi tàu chìm, tài sản và cả thành quả lao động dài ngày trên biển bị bão tố cướp sạch.
Những ngư dân đó là lao động chính trong mỗi gia đình, là hạnh phúc của bao người thân đang ngóng trông và, cũng là niềm tự hào, niềm tin của mỗi chúng ta trước những nguy nan, thách thức ngày càng nhiều từ sóng ngầm, bão tố… Một vài ý nghĩa đó của công tác cứu hộ, cứu nạn còn chỉ ra rằng, phần lớn ngư dân gặp nạn là do thiếu phương tiện thông tin, kỹ thuật cần thiết.
Tại sao không thể vận động một cuộc quyên góp trên cả nước để thành lập Quỹ hỗ trợ cho ngư dân? Ngư dân sẽ đóng góp một phần theo công thức bảo hiểm rủi ro. Phần còn lại thì hàng triệu tấm lòng hảo tâm trên cả nước sẽ chung sức, chung lòng. Liệu Đà Nẵng có thể mở đầu cho một phong trào tiếp sức, giúp đỡ cho ngư dân - những người đang đứng trên đầu sóng ngọn gió theo đúng nghĩa đen đích thực của cụm từ này?
Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng vừa quyết định đặt tên Hoàng Sa - Trường Sa cho con đường dài nhất (27 km), chạy dài theo bờ biển đẹp nhất, cách đây mấy hôm. Bây giờ, niềm vui đó như được nhân đôi, nhân ba khi quân và dân TP. Đà Nẵng được đón những người con dũng cảm của Tổ quốc trở về từ Hoàng Sa! Xin cảm ơn các chiến sĩ Hải quân Việt Nam! Các anh đã làm đúng như điều mà Đại tá Ngô Sĩ Quyết đã khẳng định khi đón ngư dân trở về trên cầu tàu bến cảng Tiên Sa: “Cứu dân là mệnh lệnh không lời”. (Danang Online, 15h31’, 20-7-2010).
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Đón đồng bào từ Hoàng Sa
Thứ Tư, 21/07/2010, 08:54 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.