23 tuổi, Trần Thị Hoan cũng có những ước mơ bình dị như bao cô gái khác: Có công việc tốt, có một gia đình và sống trong hòa bình, không có chiến tranh. Nhưng Hoan là nạn nhân chất độc da cam, sinh ra đã không có chân và thiếu một tay, nên ước mơ của cô dẫu giản đơn, bình dị đến mấy cũng khó có thể thực hiện được.
Hãng thông tấn AFP của Pháp đã đăng tải một bài viết của nhà báo Karin Zeitvogel có nhan đề “Nạn nhân da cam Việt Nam muốn sự đáp trả nhân đạo”, nói về câu chuyện Trần Thị Hoan trong hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam trên đất Mỹ. Trước các nhà lập pháp Mỹ, cô gái là nạn nhân của thứ chất độc kinh hoàng được rải xuống miền Nam Việt Nam vào những năm 1960-1970 đã đọc bài phát biểu 3 trang bằng tiếng Anh kêu gọi quyền được bồi thường của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Là nạn nhân chất độc da cam đầu tiên của Việt Nam điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần qua, Hoan cho biết, cô chỉ là một trong hàng trăm ngàn người đang bị di chứng từ cha mẹ bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, Hoan vẫn khẳng định mình còn may mắn hơn rất nhiều nạn nhân khác, bởi cô vẫn có khối óc minh mẫn, trong khi rất nhiều người, bao gồm nhiều trẻ em phải vật vã trong một cơ thể không thể hoạt động.
Hình ảnh cô gái Trần Thị Hoan nhỏ nhắn, có gương mặt sáng, đeo kính, trong chiếc áo khoác sẫm màu, được VTV phát sóng trong chương trình thời sự cuối tuần qua đã khiến người xem xúc động. Cô là đại diện cho 4,1 triệu người Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với chất độc da cam trong thời chiến và hơn 3 triệu người khác đang bị ảnh hưởng đấu tranh đòi công lý. Điều mà cô gái này muốn gửi gắm đến các nhà lập pháp và người dân Mỹ còn là thông điệp “hướng đến tương lai và xem mình có thể làm được gì”, trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ sau 15 năm tiến hành bình thường hóa. Phát biểu rành rẽ, mạch lạc của Hoan đã làm một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Iraq bật khóc, một số người khác vỗ tay lặng lẽ.
Ủy ban Sức khỏe cộng đồng Mỹ ước tính khoảng 77 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó có 49,4 triệu lít chất da cam/dioxin đã được quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam. Cái chất độc chết người này gây ung thư, các loại bệnh kém miễn dịch, rối loạn phát triển, sinh sản và hiện nay vẫn đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều vùng đất và nước tại Việt Nam. Nếu không có sự can thiệp nào, mà cụ thể là chi phí ước tính 300 triệu USD từ phía Mỹ, thì không những hàng triệu con người Việt Nam vẫn tiếp tục gồng gánh nỗi đau mà đất đai cũng sẽ vẫn bị ô nhiễm, và biết đâu sẽ tổn thương đến những thế hệ sau.
Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhân Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN được cho là cơ hội lớn để làm mới và tăng cường sự phản hồi của Washington đối với việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Hướng đến Ngày Thương binh-liệt sĩ (27-7), người dân Việt Nam sẽ có dịp tưởng nhớ hàng triệu liệt sĩ đã ngã xuống, cũng như tri ân hàng triệu thương binh và cùng chung tay vì nạn nhân chất độc da cam ngày nay. Nhà văn Chu Lai từng viết rằng: “Có ở đâu như đất nước này, lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, dân tộc Việt Nam dẫu không muốn cũng buộc phải là một dân tộc trận mạc, cho nên để có non sông liền dải, có cánh cò trắng bay thơi thới trên bầu trời tự do như hôm nay, các thế hệ đã phải đổi bằng biết bao núi xương sông máu”.
TÚ PHƯƠNG
.
.
Hành trình hướng đến tương lai
Thứ Ba, 20/07/2010, 08:17 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.