.

Ngày của sự tri ân và tưởng nhớ

Hằng năm, có một ngày mà người dân cả nước luôn nhớ tới với tất cả ý nghĩa thiêng liêng, lòng thành kính và biết ơn vô hạn về sự hy sinh không gì bù đắp nổi của những người đã hiến dâng cả tính mạng và một phần thân thể của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, ngày của sự tri ân và tưởng nhớ mà Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã khởi xướng cách đây 63 năm, đã ngày càng trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm về sự quý giá không gì sánh nổi của cuộc sống bình yên, no ấm hôm nay.“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam đã được phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại ngày nay mà việc kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ hằng năm là một minh chứng sinh động.

Chiến tranh lùi xa đã 35 năm, những vết thương để lại trên đất đai và da thịt con người đã thành sẹo, lành lặn theo năm tháng, đất nước đã hồi sinh,Việt Nam ngày một phát triển vươn lên tầm cao thế giới; nhưng có những vết thương không bao giờ lành, đó là những vết thương lòng vẫn còn nặng mang, nỗi đau của những người thân và đồng đội khi hài cốt của không ít anh hùng liệt sĩ chưa được tìm thấy và lập nên mộ chí, các thế hệ con cháu  họ phải mang trong mình chất độc da cam quái ác..., luôn nhắc nhở chúng ta về sự tàn khốc của chiến tranh và cái giá của hòa bình.

Thời gian càng lùi xa, đất nước càng phát triển, cuộc sống của mỗi gia đình càng sung túc, no đủ thì nguy cơ về sự lãng quên trong thế hệ trẻ hôm nay những ký ức về một thời đất nước chìm trong bom đạn, về những thế hệ thanh niên không hề tiếc thân mình, sẵn sàng “gác bút nghiên cầm súng ra trận” h cho nền độc lập và thống nhất đất nước. Những người mẹ “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im…”.

Ngày nay, trong hòa bình vẫn còn những chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang trong lúc làm nhiệm vụ đã anh dũng hy sinh quên mình vì cuộc sống bình yên của cộng đồng, để lại bao sự tiếc thương cho đồng đội và người thân. Những sự hy sinh thầm lặng đó không thể nào bù đắp được, càng làm ngời sáng lên phẩm chất anh hùng và lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam; để chúng ta thấu hiểu hơn về giá trị của hòa bình hôm nay, thấu hiểu một thời cha anh chúng ta đã sống và chiến đấu anh hùng như thế.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách ngày một tốt hơn, làm vơi đi phần nào nỗi đau của họ. Đó cũng là thể hiện trách nhiệm và đạo lý, truyền thống văn hóa Việt Nam. Hiện nay, các gia đình chính sách tuy có người hoàn cảnh còn khó khăn nhưng vẫn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta thật sự cảm phục và trân trọng biết bao khi có những thương binh, bệnh binh đã từng dũng cảm trong chiến đấu nay trở lại đời thường trở thành những con người giỏi giang trong sản xuất kinh doanh, có điều kiện thuận lợi, đời sống khá hơn đã tạo công ăn việc làm, giúp đỡ đồng đội, nhân dân địa phương cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ngày một no ấm, tốt đẹp hơn. Những cựu chiến binh vẫn âm thầm cất công lần tìm mộ liệt sĩ, những đồng đội vẫn còn nằm đâu đó trong rừng sâu núi thẳm để đưa về quê hương bản quán an táng. Tấm gương sáng của nhiều gia đình chính sách đã cố gắng vượt qua những mất mát của bản thân và gia đình, không ngừng đóng góp trí tuệ và sức lực cho công cuộc đổi mới đất nước được mọi người quý trọng, tin yêu, mến phục.

Là một địa phương chịu nhiều mất mát hy sinh trong chiến tranh, số lượng các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố khá cao với nhiều thành phần, hoàn cảnh, mức sống khác nhau. Hiện thành phố Đà Nẵng có hơn 94.000 lượt đối tượng chính sách được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố đã có sự quan tâm sâu sắc, đúng mức đến việc chăm lo cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng gắn với thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với mục tiêu bảo đảm và phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn so với cư dân địa phương, đã góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các chủ trương của thành phố. Qua đó, góp phần khẳng định một hình ảnh Đà Nẵng không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, mà còn là thành phố an sinh xã hội, là điểm sáng trong thực hiện tốt chính sách đối với người có công.

Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ hằng năm còn là một cơ hội quý giá để giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, ý thức nghĩa vụ, tinh thần công dân trong thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau. Điều đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước đang tiến nhanh trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bởi càng hội nhập, càng phát triển thì những gì thuộc về bản sắc, truyền thống và cốt cách dân tộc càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa như là động lực, như là điểm tựa để chúng ta đi lên, xây dựng đất nước Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn.

Quốc Tín

;
.
.
.
.
.