Không phải đợi đến khi quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ vào Việt Nam qua cửa ngõ Đà Nẵng vào giữa thế kỷ 19, mở đầu cho cuộc xâm lược của một đế quốc phương Tây tại một quốc gia ở khu vực Đông Nam châu Á, mà từ trước đó, cũng như sau này, Đà Nẵng luôn được xem là vị trí phòng thủ chiến lược quan trọng của cả nước.
Vị trí chiến lược của Đà Nẵng đã được lịch sử chứng minh trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình trong thăng trầm lịch sử của đất nước, của dân tộc; ngay cả khi Đà Nẵng còn đang là một nơi chưa khẳng định được vai trò của mình trong động lực phát triển của khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung qua các thời kỳ lịch sử.
Bên cạnh vị trí về chiến lược quân sự đã được khẳng định, thì Đà Nẵng hiện nay đã có một vai trò khác, nói đúng hơn là hoàn toàn khác, với một chặng đường phát triển ngoạn mục sau hơn 13 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Trong chặng đường đó, Đà Nẵng luôn được đánh giá là thành phố phát triển năng động với những chủ trương, chính sách sáng tạo và hiệu quả để vươn lên khẳng định vị thế của mình là thành phố động lực cho phát triển của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, như Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh.
Đà Nẵng đã vượt lên để trở thành trung tâm trên các lĩnh vực theo đúng nghĩa; trong đó ý nghĩa lớn nhất là trở thành đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, là “đầu tàu” cho cả khu vực vươn lên, tạo cán cân phát triển đồng đều giữa các vùng trong cả nước theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cả hai yếu tố lịch sử và phát triển đó, đã tạo nên cho Đà Nẵng một vị trí, vai trò có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng của miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, ý nghĩa về vị trí chiến lược của thành phố biển này được tăng lên gấp nhiều lần bởi những âm mưu, thủ đoạn tấn công trên nhiều mặt trận của các thế lực thù địch không ngừng nhằm vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào đất nước và dân tộc ta trong thời kỳ mới.
Điều đó đã được nhận thức một cách sâu sắc và đúng đắn, từ Trung ương cho đến địa phương, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền đến toàn thể nhân dân thành phố. Chính vì thế và cũng trong xu thế đó, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã không ngừng tăng cường các mặt công tác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quốc phòng, góp phần tích cực vào việc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Kinh tế kết hợp quốc phòng”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân đạt hiệu quả thiết thực.
Các mặt công tác trên lĩnh vực quốc phòng luôn được đẩy mạnh; từ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng làm hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện; nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân thông qua công tác giáo dục quốc phòng-an ninh, xây dựng và nâng cao chất lượng tiềm lực khu vực phòng thủ, xây dựng và huấn luyện nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng bộ đội thường trực đến tích cực tham mưu và triển khai sâu rộng các phong trào đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân đội ta như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chính sách “Hậu phương quân đội” trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố.
Kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng đó đã được minh chứng bằng sự ổn định chính trị, những thành tựu mới trong phát triển kinh tế-xã hội, bằng sự vững chắc của thế trận lòng dân và đồng thuận trong nhân dân thành phố trong suốt thời gian qua. Kết quả đó cũng là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình và tập trung cho những khâu đột phá nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh của Đảng ủy Quân sự, của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.
Trong xu thế phát triển mới của thế giới và của đất nước, một chặng đường mới trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng-quân sự địa phương cho Đà Nẵng đã được mở ra. Trong đó, những thách thức không bao giờ giảm đi vì vai trò, vị trí của Đà Nẵng không ngừng được tăng lên. Chính vì thế, điều cần thiết trong công tác quốc phòng toàn dân nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, đối phó với những thách thức mới, chính là việc giáo dục nhận thức đúng đắn về lợi ích thiết thực của mỗi tổ chức, cá nhân trong tổng thể của nền quốc phòng toàn dân; giữ vững quốc phòng chính là bảo đảm các điều kiện cần thiết cho đời sống kinh tế-xã hội phát triển, tạo điều kiện cho mọi người dân được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Tiềm lực quốc phòng xây dựng trên nền tảng toàn dân, gắn bó chặt chẽ với quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính là nền tảng quốc phòng vững mạnh nhất. Điều đó đã được đúc kết qua 80 năm thành lập Đảng và hơn 65 năm ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Xây dựng được ý thức đó, cộng với nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí chiến lược của Đà Nẵng trong giai đoạn phát triển mới, triển khai toàn diện các mặt công tác quốc phòng, chính là xây dựng tiềm lực quốc phòng-quân sự địa phương của thành phố một cách mạnh mẽ, vững chắc, sẵn sàng đối mặt và hóa giải những thách thức ngày càng lớn đối với thành phố, với đất nước trước tình hình mới.
Vì thế, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XI Đảng bộ Quân sự thành phố là rất nặng nề, không chỉ thảo luận, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2010-2015, mà quan trọng là kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong toàn lực lượng cũng như toàn thể nhân dân thành phố đồng thuận, cùng chung tay góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu cơ bản của cả nhiệm kỳ, tạo tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo, xây dựng một nền quốc phòng toàn dân ngày càng thực sự vững mạnh.
Nền quốc phòng toàn dân ấy, tiềm lực quốc phòng-quân sự địa phương vững mạnh ấy, chính là yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần xây dựng nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Đà Nẵng “vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh”.
Anh Quân
.
.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng - quân sự địa phương
Thứ Năm, 15/07/2010, 07:24 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.