.

56 giờ và sinh mạng của 10 ngư dân...

10 ngư dân, chủ yếu ở xóm chài tổ 37, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, đã được cứu sống sau 56 giờ trôi dạt trên biển. Họ đã trực diện với cái chết, ở nhà, có gia đình đã lập bàn thờ - thế nhưng, họ đã  băng qua cái chết bằng tình người, quả là bài học có nhiều điều để suy ngẫm...

Tàu ĐNa 61406 xuất bến từ ngày 13-8. Đến 12 giờ trưa ngày 23-8, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II (Danang MRCC) nhận được tin tàu bị chết máy khi đang trở về đất liền để tránh bão. 16 giờ 40 cùng ngày, tàu cứu hộ SAR 412 tiếp cận được tàu bị nạn và dùng dây lai dắt tàu trong lúc gió giật cấp 9, sóng cấp 7, cấp 8. Khi cách Đà Nẵng 7 hải lý thì tàu SAR 412 phát hiện dây kéo bị đứt và tàu ĐNa 61406 trôi dạt đi đâu không rõ (!)? Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm và Cứu nạn đã huy động tàu HQ 635 của Vùng C Hải quân, tàu SAR 2701 (Danang MRCC), tàu BP 081202 (của Bộ đội Biên phòng), máy bay trực thăng (thuộc Đoàn B72), cùng với 15 tàu của ngư dân tỏa ra các hướng để tìm kiếm. Cuối cùng, 10 ngư dân đã được tìm thấy trong tình trạng kiệt sức sau 56 giờ lênh đênh trên sóng dữ. Vào lúc 20 giờ 35 phút ngày 25-8-2010, những người bị nạn đã được chuyển lên bờ. Tuy nhiên, con tàu cá đã bị bão tố và sự thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm của tàu SAR 412 nhấn chìm.

Vấn đề đầu tiên là phải nhấn mạnh rằng tàu SAR 412 là “dân chuyên nghiệp” về cứu hộ, cứu nạn; do vậy không thể nói là do sóng to, gió lớn, đêm tối nên chẳng biết những gì đã xảy ra.

Nếu sự cứu hộ được vận hành theo đúng nguyên tắc; có sự kiểm tra, ứng trực đầy đủ thì sự cố đứt dây kéo sẽ được cấp báo kịp thời. Nói tóm lại, tuy không có thiệt hại về người nhưng chỉ vì một sai lầm  không đáng có, đã phải tốn biết bao nhiêu tiền của, công sức của Nhà nước và của ngư dân...

Bên cạnh sai lầm đáng trách của tàu SAR 412, qua công tác cứu hộ vừa rồi mới thấy được sự phối hợp nhịp nhàng, tinh thần tận tụy, xả thân của các lực lượng vũ trang cùng với những ngư dân tình nguyện, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm để cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn.

Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp nhịp nhàng, đã làm tất cả những gì có thể để tìm cứu cho bằng được những người bị nạn theo cách nghĩ “còn nước còn tát, còn hy vọng  thì còn nỗ lực”. Có thể nói thành công của đợt cứu nạn vừa qua của lực lượng vũ trang và người dân Đà Nẵng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó chứng minh rằng sự quan tâm của các cấp chính quyền, chỉ huy quân sự theo tinh thần của dân, vì dân thật đáng trân trọng. Nó cũng cho thấy rằng dù hoàn cảnh nào, lúc nào, ở đâu đi nữa thì một khi quan niệm nhân văn được hiểu và thực hiện đầy đủ cũng là điều vô giá đối với cuộc sống của mỗi con người. Có thể nói, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia vào đợt cứu hộ, cứu nạn vừa qua xứng đáng được ghi nhận và động viên một cách thiết thực, cụ thể. Bởi vì đây không chỉ là một nhiệm vụ được hoàn thành mà còn là bài học rất đáng được nhân rộng cho Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung.

Theo Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng thì sau khi “nhận được thông tin điều động, các tàu của ngư dân liền tập trung tìm kiếm rất trách nhiệm. Tình người của bà con ngư dân, thương yêu đùm bọc nhau lúc hoạn nạn là quan trọng nhất, chứ lực lượng chức năng chỉ hỗ trợ thôi. Nhiều tàu của ngư dân dù không thân thiết, gần gũi nhưng hai ngày qua vẫn bỏ dở việc khai thác để tìm kiếm tàu bạn bị nạn”. Nhận xét của Đại tá Dương Đề Dũng là chính xác vì chính những con tàu của ngư dân như tàu ĐNa 90415, tàu ĐNa 90072 là những tàu đã phát hiện và cứu hộ sớm nhất những người bị nạn khi họ đang trôi dạt trên biển. Có một điều rất đáng xúc động là công cuộc tìm kiếm của lực lượng vũ trang công phu và tận tụy như thế nhưng họ cũng chỉ tự nhận là “chỉ hỗ trợ thôi”(!) Cách nghĩ ấy, cách thể hiện như thế cần phải nhân rộng trong xã hội của ta thời nay!

Việc cứu nạn thành công 10 con người từ cõi chết trở về là một niềm vui to lớn đối với người Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước. Ai cũng hiểu những khó khăn, nguy hiểm và vất vả không cùng của ngư dân trong việc kiếm sống trên mặt biển đầy sóng ngầm và bão tố. Chính những ngư dân đã và đang ngày đêm bám biển đồng thời cũng là những người lính một nửa vì họ đang gìn giữ, khẳng định chủ quyền thực tế trên biển Đông từ bao đời nay. Xin tri ân những con người dũng cảm, những tấm lòng luôn biết sống vì mọi người!

Đinh Thiện

;
.
.
.
.
.