.

Câu chuyện hiền tài

Một lần nữa những hình ảnh về Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu đã làm trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam xúc động và tự hào. Buổi đón GS Ngô Bảo Châu trở về nước tại Sân bay Nội Bài sáng 28-8 sau khi tham dự Đại hội Liên đoàn Toán học quốc tế 2010 tại Hyderabad (Ấn Độ) cùng chương trình chào mừng GS được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 tối qua (29-8) càng khẳng định sự xem trọng hiền tài của Đảng và Nhà nước ta.  

Những cái bắt tay rất chặt của lãnh đạo Bộ Giáo dục- Đào tạo, của Ban Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cùng sự “bao vây” của báo giới tại Sân bay Nội Bài đã nói thay tình cảm, niềm tự hào của đông đảo người dân Việt Nam đối với nhà Toán học tài danh này. Tấm huy chương Toán học danh giá Fields không những là vinh dự cho riêng GS Ngô Bảo Châu mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên bước đường hội nhập thế giới.

Cách lựa chọn của GS Ngô Bảo Châu cũng khiến biết bao người hài lòng: GS sẽ sang làm việc tại Đại học Chicago (Mỹ); dự kiến mỗi năm khoảng 2-3 tháng sẽ về nước tham gia làm việc và giảng dạy tại Viện Toán học Việt Nam. Như vậy, GS vừa có điều kiện tiếp tục làm việc, nghiên cứu trong môi trường với đầy đủ điều kiện khoa học phát triển, vừa có thể trở về đóng góp cho nền Toán học nước nhà.

Câu chuyện GS Ngô Bảo Châu được vinh danh với giải thưởng danh giá quốc tế là sự kiện, dấu mốc quan trọng để khẳng định với các nhà chức trách của nước ta rằng, câu chuyện hiền tài luôn là vấn đề lớn trong xây dựng và phát triển đất nước. Người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào và ngợi ca GS Ngô Bảo Châu; nhưng các nhà lãnh đạo, các nhà chức trách, nhất là những người hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cần băn khoăn, trăn trở.

Bởi lẽ, nếu GS Ngô Bảo Châu không được học tập, làm việc và nghiên cứu trong những môi trường hiện đại như ở Pháp, Mỹ và học ở những đại học danh giá bậc nhất nước Pháp thì có thể không có thành tựu ngày nay. Trong khi đó, tại Việt Nam có bao nhiêu hiền tài là giáo sư - tiến sĩ với rất nhiều người tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, và có cả những tài năng tương lai là các học sinh THPT đoạt những giải thưởng quốc tế, nhưng dường như thiếu một chiến lược bài bản, cụ thể, thực tế để thúc đẩy những tài năng này. Vì thế, sau khi đỗ tiến sĩ, hoặc sau những giải thưởng thì quá đỗi hiếm hoi tài năng tiếp tục tỏa sáng. Đó là một trong những lý do dẫn đến nhiều sự ra đi tìm kiếm cơ hội học tập của các nhân tài đất Việt tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu chuyện hiền tài là mối quan tâm của bất kỳ nước nào trên thế giới và xem nguồn nhân lực chất lượng cao là bài toán cần tìm ra đáp án. Chính Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sau khi có thông tin về giải thưởng Fields cũng đã gửi lời chúc mừng ngay lập tức đến 2 công dân Pháp (tức GS Ngô Bảo Châu và Cedric Villani - nhà Toán học người Pháp). 

Với giải thưởng của GS Ngô Bảo Châu, nhiều giáo sư, chuyên gia phát biểu trên các phương tiện truyền thông cho rằng, chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai của nền Toán học Việt Nam. Còn tâm sự trên blog sau khi nhận giải Fields, GS Ngô Bảo Châu viết: “Tôi cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Cá nhân tôi quá bé nhỏ so với một dự kiến lớn như vậy. Nhưng bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trề niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường” (Blog Thích Học Toán).

Tú Phương

;
.
.
.
.
.