.

Đà Nẵng sẽ trong lành và xanh hơn

Ngày 18-8, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản quy định về công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố. Theo quy định này, có 19 ngành nghề không được cấp mới giấy phép kinh doanh nếu hoạt động trong các khu dân cư. Cụ thể là những ngành nghề như sản xuất hóa chất cơ bản; thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất làm lạnh; sản xuất pin, ắc-quy; tái chế giấy, nhựa, kim loại; phơi các nguyên liệu, vật liệu thủy-hải sản; sản xuất rượu, bia, cồn; sản xuất thuốc lá, bột giấy...

Như vậy, trong một tương lai có thể xác định được, tất cả những ngành nghề có thải ra (hoặc tạo ra) các chất độc hại cho môi trường đều không thể “xuất hiện mới” trong khu dân cư. Nói cách khác, đây là tầm nhìn xa để chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn nhằm bảo vệ môi trường một cách bền vững. Cụ thể, không gian sống của tất cả các khu dân cư trong một tương lai có thể nhìn thấy được sẽ không còn phải chịu cảnh bịt mồm, bưng mũi trước các loại mùi xú uế, độc hại cho sức khỏe con người cũng như không gian văn hóa, du lịch của một cơ cấu văn minh mới lành mạnh nói chung.

Điều đang làm dư luận phân vân là hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất-kinh doanh liên quan đến “19 ngành nghề cấm” nói trên vẫn tiếp tục hoạt động và liên tiếp gây ra các vụ ô nhiễm môi trường đáng quan ngại, sẽ được giải quyết và điều chỉnh như thế nào? Chẳng hạn, muốn di dời một cơ sở sản xuất có yếu tố độc hại ra khỏi khu dân cư thì nhất thiết chính quyền phải có sự hỗ trợ cần thiết về kinh phí di dời, vì các phát sinh đền bù... Nên chăng cần phải có một quy hoạch đồng bộ cho tất cả những cơ sở sản xuất, kinh doanh đó; sao cho sự tập trung về một mối sẽ giám sát, ngăn chặn kịp thời những sai phạm; đồng thời ổn định hóa, công nghiệp hóa hệ thống các ngành sản xuất.

Bên cạnh đó cũng cần phải nhấn mạnh rằng cần có những sự cụ thể hóa, khoa học hóa một cách chi tiết tất cả những điều khoản liên quan đến quy định trên. Chẳng hạn, một việc tưởng chừng nhỏ nhưng lại rất quyết định - nó bảo đảm cho mọi điều khoản còn lại thành hiện thực, đó là định nghĩa như thế nào là một khu dân cư? Ít nhất bao nhiêu nhà thì được coi là khu dân cư và, các cơ sở sản xuất của 19 mặt hàng trên phải ở cách khu dân cư bao xa? Tiếng ồn tối đa cho phép là bao nhiêu?...

Kinh nghiệm từ Vedan, từ Vinamit, Vietstar... cho thấy là dường như chuyện phạt tiền hay đền bù, bồi thường chưa tạo nên sự răn đe hữu hiệu. Mục đích cuối cùng là quy định pháp luật là để biết mà tránh chứ không phải là để trừng phạt. Dĩ nhiên, mọi sự vi phạm đều phải xử phạt nghiêm minh.

Một điểm nữa cũng nên lưu ý là kế hoạch di dời các ngành nghề thuộc “nhóm 19” ra khỏi những khu dân cư nên có những mục tiêu chính xác cho từng giai đoạn. Nếu tiến độ di dời - giải tỏa các cơ sở sản xuất làm ô nhiễm môi trường không có lộ trình đúng thì sẽ làm chậm (nếu không muốn nói là vô hiệu hóa) quy định tạo nên màu xanh và không khí ngọt lành cho Đà Nẵng.

Điều sau cùng phải nhấn mạnh là kinh nghiệm các nước cho thấy khi không cấp mới nhưng không giải tỏa cái cũ thì cái cũ sẽ phình to - và như thế thì chẳng khác gì là một dạng cấp phép mới.

Đà Nẵng đã lại đột phá với cách đi riêng độc đáo để trong tương lai thành phố nhất định phải xanh hơn, trong lành hơn. Hy vọng và tin tưởng rằng, từ sự khởi đầu của quy định về “nhóm 19”, những bước thay đổi mạnh mẽ, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường sẽ thu được nhiều thành tựu khả quan.

Tô Vĩnh Hà

;
.
.
.
.
.