Năm 2010, Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT). Kết quả này khẳng định những nỗ lực không ngừng của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong việc hình thành mạng lưới dịch vụ khoa học và công nghệ số nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và phát triển CNTT-TT phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Để có kết quả đáng khen ngợi như vậy, chính quyền thành phố đã biết phát huy những thuận lợi về cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống chính sách về CNTT-TT… Hiện tại, Đà Nẵng có hệ thống mạng cáp quang truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) kết nối với hơn 70 đầu mối cơ quan Nhà nước, có mạng cáp quang ven bờ đi quốc tế với tổng dung lượng 80Gbps. Đến nay, 100% các cơ quan Nhà nước của thành phố đã có mạng nội bộ và kết nối Internet. Với việc xem CNTT là một lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế, thành phố đã có những dự án đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT cũng như chuẩn bị về nhân lực, sẵn sàng cho việc ứng dụng công nghệ số trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực CNTT - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay.
Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT (nhất là trong cơ quan hành chính) được xem là giải pháp quan trọng của thành phố nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả làm việc của các cơ quan Nhà nước, giảm chi phí hành chính, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất công việc và trong nhiều trường hợp, hỗ trợ công tác cải cách hành chính... Sự đầu tư này ngày càng khẳng định quyết tâm của thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng chính quyền điện tử nhằm giảm bớt phiền hà và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận với các dịch vụ hành chính công.
Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam, mặc dù về xếp hạng ứng dụng, Đà Nẵng đứng đầu cả nước nhưng đánh giá về hạ tầng nhân lực và lĩnh vực sản xuất kinh doanh CNTT, Đà Nẵng lại chưa soán được ngôi đầu. Điều này cho thấy, thành phố cần phải đầu tư nhiều hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT cũng như xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Tính đến nay, Đà Nẵng có hơn 700 doanh nghiệp và các viện, trường học hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, những doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước vẫn còn thấp. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã xây dựng Khu Công viên phần mềm với những ưu đãi về mặt bằng, về thuế, thủ tục đăng ký kinh doanh… nhằm thu hút các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất phần mềm và kinh doanh các dịch vụ CNTT.
Việc ứng dụng CNTT ở Đà Nẵng đang được triển khai ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nhưng điều đáng quan tâm là làm sao phát huy hiệu quả những ưu thế của công nghệ số trong công việc. Hiện nay, vẫn còn tình trạng cán bộ ngại sử dụng các thiết bị điện tử cũng như những phương thức truyền thông tin qua mạng nội bộ, mạng Internet. Văn bản giấy trong một số trường hợp có thể thay bằng văn bản điện tử để chuyển tải thông tin giữa các đơn vị khác nhau nhưng hình thức này vẫn chưa được áp dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trang thông tin điện tử của địa phương thiếu sự cập nhật thường xuyên khiến cho thông tin đến với người dân chậm trễ…
Thành tích dẫn đầu cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT là niềm tự hào đối với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Những kết quả này sẽ là bước đệm để Đà Nẵng tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho CNTT nhằm xây dựng thành công chính quyền điện tử, bảo đảm sự công khai, minh bạch về thông tin giữa chính quyền và người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hà An