Báo chí là một kênh thông tin không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Bạn đọc luôn kỳ vọng vào vai trò phản biện xã hội tích cực của báo chí để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nếu không có báo chí và không có những nhà báo tâm huyết, tự nguyện dấn thân len lỏi vào cuộc sống để phát hiện vấn đề thì chắc hẳn đến nay, hàng nghìn người dân và học sinh xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang…, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục vượt sông Pô Kô bằng cách làm xiếc đu mình trên sợi dây thép ròng rọc mỏng manh; em Hào Anh vẫn tiếp tục bị vợ chồng chủ trại tôm Huỳnh Thanh Giang-Mã Ngọc Thơm hành hạ; đông đảo dư luận cũng sẽ không biết đến món nợ gây sốc 80.000 tỷ đồng của Vinashin. Hay nhiều vụ việc tham nhũng, khuất tất sẽ không được phơi bày. Đồng thời, câu chuyện về những tấm gương quên mình vì cộng đồng cũng sẽ không được phổ biến và gây xúc động cho bao người. Quả thật, báo chí (gồm báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử) đang có sức lan tỏa mãnh liệt trong cộng đồng và được bạn đọc đón nhận, tin tưởng, kỳ vọng.
Báo chí luôn sống nhờ vào thông tin, sự kiện và bạn đọc. Bởi thế, mục tiêu mà báo chí luôn hướng đến chính là độc giả: Viết cho độc giả, phản ánh chân dung cuộc sống trên mọi nẻo đường một cách trung thực, kịp thời và nhân văn. Nếu tách rời hơi thở cuộc sống thì báo chí sẽ trở nên nhạt nhẽo, khô cứng và không còn đúng với vai trò, thiên chức của nó nữa.
Không đâu xa, ngay ở TP. Đà Nẵng, mỗi buổi sáng rất nhiều sạp báo lớn tấp nập người ra vào với ít nhất một tờ báo trên tay và đón nhận thông tin bằng sự háo hức. Rồi trong lúc chuyện trò bên tách cà-phê, hay vào bữa ăn, những câu chuyện thời sự nóng bỏng, những câu chuyện thương tâm nào đó, những tấm gương tiêu biểu, hay những vụ việc gây bức xúc được mang ra đàm đạo, chia sẻ và bày tỏ quan điểm để rút ra cách thức điều chỉnh cuộc sống. Cũng không ít bạn đọc tỏ ra thất vọng, thậm chí tức giận với những tin tức giật gân, thiếu chính xác, mang tính thiên lệch..., xuất phát từ sự non kém nghiệp vụ và sự thiếu cái tâm của người viết.
Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam đang diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và chính thức khai mạc vào sáng nay (12-8) sau 2 ngày đại hội nội bộ được cả những người làm báo lẫn bạn đọc chờ đợi, hy vọng vào một chương trình hành động thiết thực trong việc thể hiện chức năng tuyên truyền, diễn đàn của nhân dân và là phương tiện phản biện xã hội tích cực. Những người trong nghề hy vọng trong Điều lệ Hội sẽ có thêm quyền “yêu cầu các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo theo quy định của pháp luật”, bởi lẽ từ cuối năm 2005 đến nay đã có ít nhất 25 vụ hành hung, cản trở các nhà báo, phần lớn xảy ra với các nhà báo viết bài chống tiêu cực.
Có thể nói, việc đọc báo viết, báo điện tử, nghe đài, xem tin tức trên truyền hình không chỉ trở thành thói quen hằng ngày mà bạn đọc qua đó còn mong mỏi có thêm nhiều nguồn tin chính xác trên khắp mọi miền đất nước cũng như thế giới. Báo chí Việt Nam ở các thể loại đều đang phát triển nhanh chóng về số lượng thì bạn đọc càng đòi hỏi cao hơn nữa về chất lượng. Như ý kiến chia sẻ của một bạn đọc - nguyên là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ rằng, báo chí cần lắm tính chính xác, tính nhân văn và cả việc phát hiện những tấm gương để ngăn chặn cái xấu, điều chỉnh cái chưa đúng và nhân rộng cái tốt. Đây chính là đòi hỏi của bạn đọc và cũng là những đơn đặt hàng từ cuộc sống mà báo chí và nhà báo phải đáp ứng.
Tú Phương
.
.
Hơi thở cuộc sống
Thứ Năm, 12/08/2010, 07:53 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.