.

Phấn đấu trở thành trung tâm đô thị văn minh, hiện đại

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III (nhiệm kỳ 2005-2010) và Kết luận số 25-KL/TU, ngày 15-10-2004 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tình hình và phương hướng xây dựng, phát triển quận Hải Châu trong những năm đến”, Đảng bộ, chính quyền quận Hải Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và huy động tối đa các nguồn lực tham gia vào quá trình phát triển, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ (chiếm trên 65% GDP), giảm tỷ trọng công nghiệp và thủy sản; đã hoàn thành quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị và đất chuyên dùng.

Bên cạnh đó, mạng lưới hạ tầng kinh tế dịch vụ với hệ thống siêu thị, các công ty kinh doanh lớn, dịch vụ tài chính – ngân hàng, cho thuê tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, khoa học-công nghệ-kỹ thuật, bưu chính- viễn thông, công nghệ thông tin, du lịch… phát triển khá đồng bộ và bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong mạng lưới kinh doanh giữa các thành phần kinh tế và cung ứng nhiều chủng loại hàng hóa, dịch vụ phong phú, chất lượng.

Đây là bước đi đúng, cách làm phù hợp với vị trí quận trung tâm, theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc mở rộng không gian đô thị nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh của quận Hải Châu.

Trong những năm đến, cùng với quá trình xây dựng và phát triển thành phố, quận Hải Châu sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển và có những thay đổi sâu sắc, nhưng cũng không phải dễ dàng. Xây dựng và phát triển quận Hải Châu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để đến năm 2015 cơ bản trở thành khu vực đô thị phát triển toàn diện và bền vững, văn minh, hiện đại; xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của thành phố Đà Nẵng, thực sự là quận tiêu biểu cho đô thị loại 1 cấp Quốc gia tức là đã đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận một nhiệm vụ mới hết sức khó khăn.

Ưu thế vị trí trung tâm thành phố và sự hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của quận đã có; một số cơ chế, chính sách khá thông thoáng, ổn định cho kinh tế quận phát triển và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế đúng hướng cũng đã được khẳng định trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và ưu thế nổi bật đó, cũng cần nhìn nhận khách quan rằng, chặng đường phía trước của quận Hải Châu trong vòng 5 năm đến còn nhiều khó khăn. Đó là chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế chưa cao, chưa thật vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế còn nhỏ bé, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ còn yếu; hoạt động thương mại, dịch vụ chưa tương xứng với vai trò, vị trí một quận trung tâm thành phố. 

Vì vậy, việc cần đối với quận Hải Châu trong 5 năm tới là tìm ra một số giải pháp mang tính đột phá để phát triển mạnh ngành dịch vụ, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của quận, phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân giá trị dịch vụ 15%/năm và tỷ trọng dịch vụ chiếm 77,22% GDP. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên là chăm lo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để khuyến khích, tạo thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư yên tâm sản xuất-kinh doanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế trên địa bàn quận. Chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn, cần được tổ chức sắp xếp lại một cách khoa học, văn minh, lịch sự từ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, dịch vụ lớn, như: Bất động sản, tài chính tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, bưu chính-viễn thông, công nghệ thông tin, giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe; xây dựng, cải tạo mạng lưới chợ và hoàn chỉnh các chợ lớn, tổ chức một số khu phố chuyên doanh, tuyến phố du lịch ở các địa bàn trung tâm, lưu trú, ẩm thực, lữ hành, phát triển hệ thống bán lẻ...

Là quận trung tâm, Hải Châu phải phối hợp với các cơ quan của thành phố trong việc nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị; từng bước thực hiện ngầm hóa các hệ thống kỹ thuật hạ tầng; thực hiện các phương án chống ùn tắc giao thông và khắc phục tình trạng ngập úng trong các khu dân cư; động viên nhân dân và các nhà đầu tư đã được giao đất trong các khu dân cư, các khu quy hoạch mới tiến hành xây dựng, tổ chức sản xuất kinh doanh để quận ngày càng khang trang. Nhiệm vụ và giải pháp khác cần được quận quan tâm là làm sao huy động, động viên hệ thống chính trị phường và dưới phường tham gia có hiệu quả vào quá trình quản lý đô thị, quản lý xây dựng, đẩy mạnh xã hội hóa trồng cây xanh đô thị để xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp...; quy định việc nhân dân giữ vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện thu gom rác theo quy trình khoa học, hợp lý; xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị.

Lâu nay, các báo cáo sơ kết, tổng kết, thậm chí nghị quyết từ phường đến quận, thành phố bao giờ cũng khẳng định một việc đúng, lớn và phải có thời gian như: “Đi đôi với phát triển kinh tế, phải chú trọng giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh gắn liền với đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội; quan tâm đầu tư cho giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo đảm về chất lượng cho thời kỳ phát triển mới...”. Nhưng trước mắt “bài toán khó” giữa phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ cảnh quan, môi trường và văn minh đô thị với bảo đảm đời sống của một bộ phận dân cư mưu sinh chủ yếu dựa vào vỉa hè, đường phố, nhất là đối với quận Hải Châu đang phấn đấu trở thành trung tâm đô thị văn minh, hiện đại.

Lê Quang Á

;
.
.
.
.
.