.

Quy hoạch nông thôn mới

Trong tuần đầu tháng 8 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước về triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Quy hoạch nông thôn.

Đây là một bước đi trong lộ trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” được thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Tại hội nghị giao ban này, các đại biểu đều bày tỏ sự quan tâm lớn nhất đến công tác quy hoạch, bởi đây là vấn đề khó nhất và quan trọng nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trước đó, Chính phủ cũng ban hành bộ tiêu chí về “Nông thôn mới”, với 5 nội dung về: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế-xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa-xã hội-môi trường và hệ thống chính trị, gồm 19 tiêu chí cụ thể quy định về xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, để xây dựng một nông thôn mới, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là quy hoạch. Có quy hoạch tốt thì mới bảo đảm các điều kiện phát triển theo đúng định hướng, chứ không phải là cách làm ngẫu hứng, tùy tiện một cách ấu trĩ.

Là huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, Hòa Vang đã được đầu tư một cách mạnh mẽ cho công tác quy hoạch trên nhiều mặt; trong đó có những nội dung chủ yếu của các tiêu chí trong quy hoạch nông thôn mới của Chính phủ như: Quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kinh tế-xã hội và quy hoạch các khu dân cư.

Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2020 đã hoàn thành và được phê duyệt. Quy hoạch chi tiết phát triển và đầu tư xây dựng các khu đô thị mới diễn ra ngày càng sôi động. Mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng mạnh mẽ. Việc khớp nối quy hoạch giữa huyện với thành phố để phục vụ công tác quản lý quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn được quan tâm đúng mức. Trên thực tế, thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn như: 6 tuyến đường giao thông cụm xã gắn với điện chiếu sáng; đường Hòa Phong-Hòa Tiến, ĐT 605, ĐT 602, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A (Hòa Cầm-Hòa Phước); các cầu sông Yên, Diêu Phong, Trường Định, Đồng Tràm, Tà Lang; các khu dân cư thuộc khu đô thị Nam Cẩm Lệ, khu phố chợ Túy Loan và các khu dân cư mới thuộc các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên, Khu công nghiệp Hòa Khánh (mở rộng)... Với việc sớm quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn huyện, nên lĩnh vực kinh tế-xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt và theo đúng định hướng. So với đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, tỷ lệ nông nghiệp giảm 8,3%, công nghiệp tăng 3,4%, dịch vụ tăng 4,2%; từ đó hình thành cơ cấu kinh tế hiện nay là: Nông nghiệp (37%) - Công nghiệp (35,2%) - Dịch vụ (27,8%). Về văn hóa-xã hội, có 81,8% số xã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học; 21 trường đạt chuẩn quốc gia (3 trường đạt chuẩn mức 2); 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2006; hoàn thành chỉ tiêu giảm hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) vào năm 2008; thu nhập đạt 12,24 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2006); 55% dân số tham gia BHYT, 19,6% hộ sử dụng nước máy, 86,85% hộ có tivi, 43% hộ có điện thoại, 10% hộ có vi tính, 100% xã kết nối Internet; 83,46% gia đình, 77,11% thôn, 36,36% xã, 60,97% cơ quan đạt chuẩn văn hóa...

Phát huy những kết quả đó, đến năm 2015, huyện Hòa Vang xác định đẩy mạnh thực hiện khảo sát quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất trong quy hoạch tổng thể 2010-2020; tiếp tục quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn huyện; quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; quy hoạch phát triển ngành văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao huyện đến năm 2020... Trong đó, Hòa Vang xác định cơ cấu kinh tế theo tỷ trọng: Công nghiệp (40%) - Dịch vụ (32,5%) - Nông nghiệp (27,5%). Huyện Hòa Vang cũng phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có từ 65% - 75% số xã đạt tiêu chí về nông thôn mới (cả nước phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới).

Như vậy, với tiềm năng và lợi thế nằm trong chuỗi phát triển năng động của đô thị Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có nhiều điều kiện để thực hiện tốt những nội dung trong định hướng quy hoạch phát triển, xây dựng nông thôn mới trong thời hiện đại. Trong đó, cùng với sự quan tâm đầu tư từ thành phố, Hòa Vang phải biết phát huy được nội lực của mình. Nội lực ấy là chính từ việc đầu tư xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ đạt tiêu chuẩn từ huyện đến cơ sở và thôn; là việc phát huy những giá trị truyền thống nhằm tạo nên sức mạnh đoàn kết, nhất trí của toàn dân vì mục tiêu xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại...

Đây không phải là những công việc đơn giản, nhẹ nhàng, nên điều cần thiết là phải xây dựng được nhận thức mới và đúng đắn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới của thời hiện đại; là nhận thức về niềm tự hào được đóng góp công sức của mỗi người trong thành quả này ở tương lai gần... để từ đó đưa những nội dung quy hoạch nông thôn mới Hòa Vang giai đoạn 2010-2020 vào hiện thực một cách thuyết phục.

Trách nhiệm lớn lao và nặng nề đó đang đặt ra cho Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015, nhằm mở ra một trang thật sự mới trong quá trình phát triển của địa phương giàu truyền thống này!

Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.