Những ngày Cách mạng mùa thu, tôi luôn nghĩ đến mấy câu thơ:
Lúc đứng dậy, răng còn nghe tiếng rít
Nhưng chính thần kỳ là sự đứng lên
(Mà tôi không nhớ tên tác giả).
Sự đứng lên thần kỳ, không có lời lẽ nào có thể khái quát ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám như mấy từ đó. Một Đảng chỉ có hơn 5.000 đảng viên, phải nói là trình độ (lý luận) rất non thô, có nhiều người chưa biết chữ.
Một dân tộc vừa trải qua một nạn đói kinh khủng, hai triệu người chết vì lửa cơ đốt ruột. Địa bàn xảy ra nạn đói, tính từ Thanh Hóa trở ra lúc ấy có khoảng 10 triệu dân, vậy là đã có 1/5 số dân chết đói. Tôi còn nhớ người ta không có điều kiện tẩm liệm cho những người xấu số, đành thu gom các thi thể chất trên những chiếc xe bò, đem đi chôn trong những hố - nấm mồ chung.
Vậy mà những con người tưởng chừng đã kiệt sức, tàn hơi ấy đã rũ bùn đứng dậy sáng lòa, làm nên sự kiện kinh thiên động địa “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập; đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Sự đứng lên thần kỳ đó đã khẳng định và khơi dậy sức mạnh vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam để sau đó 9 năm làm một Điện Biên và chiến đấu trường kỳ đánh thắng tên đế quốc đầu sỏ có sức mạnh kinh tế-kỹ thuật hơn ta cả một thời đại và gấp cả ngàn lần.
Sự đứng lên thần kỳ đó bắt nguồn và thể hiện sức mạnh của lòng yêu nước là mẫu số chung của mọi người Việt Nam, của ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do, là hằng số của tính cách Việt Nam.
Vào những ngày kỷ niệm 65 năm sự đứng lên thần kỳ ấy, chúng ta đều biết mình đã đi qua những chặng đường thắng lợi vẻ vang, thế và lực đều ngàn lần mạnh hơn những ngày ấy. Đồng thời chúng ta cũng ý thức cả dân tộc đang đối diện với những thách thức to lớn.
Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo và chậm phát triển, đang đứng trên đường đua trở thành một nước văn minh hiện đại, phát triển bền vững.
Đại hội Đảng bộ các cấp đã và đang diễn ra sôi nổi, cả nước đang tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Ở tất cả các Đại hội, trong các sinh hoạt chính trị của mọi tổ chức, trong lòng mỗi người dân đang diễn ra một cuộc thảo luận sâu rộng, tất cả đều bàn việc nước, tính việc nhà, việc của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng: Làm thế nào để sớm đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Chỉ ít lâu sau những ngày đứng lên thần kỳ ấy, chúng ta ai cũng biết Hồ Chủ tịch đã nói rất giản dị mà thật sâu sắc: “Nếu nước được độc lập mà dân không hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Và trong những ngày trứng nước của chế độ mới, dù phải dồn sức để diệt ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Người vẫn gửi gắm ở thế hệ trẻ niềm hy vọng “dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu”, điều mà ngày nay chúng ta gọi là có vị thế trong cuộc cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Nhiều vấn đề của sự đứng lên thần kỳ ấy đang đặt lên vai của thế hệ trẻ hôm nay.
Hơn lúc nào hết, lịch sử dân tộc đang đòi hỏi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ một sự đứng lên thần kỳ trong tư duy và hành động, trong khát vọng và quyết tâm.
Nguyễn Đình An
.
.
Sự đứng lên thần kỳ
Thứ Năm, 19/08/2010, 12:30 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.