.

Xe thồ săn bắt cướp

Nhiều tờ báo in, báo điện tử số ra ngày thứ bảy, 7-8 và chủ nhật, 8-8-2010 đăng tin lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vừa gặp mặt biểu dương Đội xe thồ tự quản Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ về thành tích săn bắt cướp, chống trộm cắp, buôn bán hàng giả, ma túy trong suốt 5 năm qua.

Được biết, Đội xe thồ tự quản (XTTQ) này được thành lập từ năm 2005 và đã tham gia bắt 54 vụ cướp giật, cố ý gây thương tích… do 73 đối tượng hình sự gây án. Tại buổi gặp mặt, biểu dương thành tích của đội xe thồ, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã trao tặng cho 12 thành viên xuất sắc nhất 12 xe máy và mỗi thành viên trong đội một triệu đồng. Phát biểu với toàn thể thành viên đội xe thồ và báo chí, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh rằng mô hình hoạt động tự giác, tích cực trong phòng chống tội phạm ở khu vực cửa ngõ phía Nam và Tây nam thành phố - một địa bàn rất phức tạp, đã đem lại hiệu quả cao, được các cấp chính quyền, người dân và du khách đánh giá khá ấn tượng, cần được nhân rộng để góp phần bảo vệ an ninh trật tự của thành phố ngày một tốt hơn…

Có thể nói rằng thành tích của Đội XTTQ vừa có giá trị thiết thực vừa mang nhiều ý nghĩa xã hội đáng trân trọng. Những người làm nghề xe thồ phần lớn là những người ít được học hành, thành phần, nhân thân xã hội của họ rất đa dạng. Mặt khác, do đặc tính công việc nên họ có tính kỷ luật không cao. Thế nhưng, trái ngược với cách đánh giá “tổng quan” mang đậm tính lý thuyết ấy, các bác, các anh xe thồ ở ngã ba Hòa Cầm đã chứng tỏ rằng một khi có tinh thần gắn bó với quê hương, thành phố, có ý thức trách nhiệm cộng đồng thì mọi rào cản về tâm lý, xã hội đều có thể vượt qua.
 
Không phải ngẫu nhiên mà những người làm nghề xe thồ có thể “phá án” một cách hiệu quả như thế: Am hiểu địa bàn, phát hiện gần như ngay lập tức mọi động thái đáng ngờ của “người lạ”, quen thuộc với các hành vi bất minh là một trong những kinh nghiệm sống mà chỉ những người suốt ngày tiếp xúc với nhiều loại người mới có thể có được. Chính vì thế, nếu mô hình của Đội XTTQ Hòa Cầm được nhân rộng thì  vấn đề an ninh, trật tự trong thành phố ắt hẳn sẽ tốt hơn.

Việc lãnh đạo thành phố - với sự có mặt của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy cũng chứng minh rằng Đảng bộ và chính quyền thành phố đánh giá rất cao việc làm mang ý nghĩa cao cả của những người xe thồ - một trong những người lao động có nghề nghiệp vất vả và cực nhọc nhất. Những chiếc xe máy mà thành phố trao tặng cho Đội XTTQ là những chiếc xe  bị Công an thu giữ do vi phạm pháp luật.

Lâu nay, rất nhiều xe như thế do vướng mắc về các thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu nên không thể bán đấu giá được và để trong kho thì dần dà đều bị hư hỏng, gỉ sét. Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đã mạnh dạn thực hiện điều chưa có tiền lệ: Đứng ra mua những chiếc xe đó làm quà tặng cho những con người dũng cảm, tận tụy – những người luôn cần đến xe máy. Quả là nhất cử đa tiện lợi: Của cải của xã hội không bị lãng phí, hư hỏng; những người xe thồ có phương tiện để kiếm sống – hoạt động xã hội tốt hơn. Những món quà thiết thực và cách nhìn trọng thị, không phân biệt của lãnh đạo TP. Đà Nẵng không chỉ có ý nghĩa riêng với địa phương mà còn là một bài học, cách làm bổ ích với nhiều địa bàn khác trên cả nước.

Lo cho dân, cho xã hội bao gồm rất nhiều công việc mang tầm vĩ mô, chiến lược nhưng không quên những việc nhỏ giản dị, bình thường; là một trong những cách nghĩ, cách làm mang nhiều ý nghĩa khó quên. Đa số người dân ít quan tâm và không hiểu biết nhiều lắm những công việc lớn lao. Vì thế, như Lê-nin đã từng nói “người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ” – những người làm nghề xe thồ và đại đa số những người lao động khác đều “suy nghĩ trên công việc cụ thể hằng ngày”. Sự chăm lo toàn diện, cụ thể, thiết thực của chính quyền đối với người dân như thế sẽ có tác dụng tích cực về mặt xã hội để thành phố ngày một yên bình hơn, ngày một tốt đẹp hơn.             

Đinh Thiện

;
.
.
.
.
.