Nhiều năm gần đây, năm nào cũng vậy, cứ dịp này là lũ lụt hung dữ lại tàn phá núm ruột miền Trung. Bắt đầu từ Bắc miền Trung, năm ngoái Thanh Hóa, năm nay Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Mưa lũ chồng lên mưa lũ. Khắc phục đợt lũ trước chưa xong thì đến đợt lũ mới, nguy hiểm hơn. Nước chưa lui thì siêu bão Megi đã vào biển Đông.
Trên đất liền chưa thấy rõ ảnh hưởng của bão nhưng với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang có hàng nghìn tàu thuyền trên biển thì bão đã tới từ mấy ngày nay. Phải kịp thời thông báo ngư dân phòng tránh bão dữ. Phải đề phòng diễn biến phức tạp của cơn bão, chủ động nếu bão đổi hướng.... Trung và Nam miền Trung lo bão. Bắc miền Trung chống lũ lụt.
Mới đầu mùa lũ đã trên 130 người chết, hàng nghìn ngôi nhà, hàng trăm nghìn héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng; đường bộ, đường sắt Bắc-Nam bị ách tắc; thủy lợi, điện và nhiều công trình bị hư hỏng, hàng năm nữa mới khôi phục xong. Với những thiệt hại này, chưa kể đến tổn thất lớn nhất là người, chỉ riêng phần vật chất đã hàng nghìn tỷ đồng, đặt nó trong hoàn cảnh còn nghèo thiếu của bà con thì có nghĩa là hàng vạn gia đình mất trắng cơ nghiệp, hàng triệu trẻ em mất điều kiện đến trường, hàng chục người bệnh phải chết trong lúc lẽ ra họ được sống, hàng nghìn người rơi vào hoàn cảnh đói rét. Tình máu mủ ruột rà, điều đó thật đau xót.
Miền Trung đang cần cả nước giúp đỡ, cả nước đang sát cánh cùng miền Trung. Chính phủ đã chi nóng 200 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo cho hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cứu đói với quyết tâm không để một người chết vì đói rét. Hàng trăm chuyến bay, hàng nghìn lượt bộ đội, công an dồn về vùng lũ lụt cứu dân. Nhiều tấm gương dũng cảm vì dân quên mình xuất hiện. Mọi cuộc họp chưa thật cấp thiết đều tạm hoãn. Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền các cấp rời nhiệm sở về với dân, lo cho dân. Đây là những giờ phút thử thách. Dân nguy, dân đói, cán bộ nào không có mặt thì cán bộ ấy khó có được niềm tin yêu.
Cũng nhiều năm trở lại đây, chia sẻ với đồng bào bị thiên tai đã trở thành một tập quán đẹp trong cộng đồng Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, xí nghiệp, các tỉnh và thành phố đều tổ chức quyên góp cứu trợ đồng bào bị lũ lụt. Người Việt Nam ở khắp nơi trong nước và nước ngoài cũng đang khẩn trương góp công, góp của cùng Nhà nước, các lực lượng vũ trang, đoàn thể xã hội giúp đồng bào vượt qua thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất. Một chai nước, một gói mì ăn liền lúc này là tình nghĩa. Tục ngữ Việt Nam có câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Lá lành đùm lá rách”.
Phong trào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ bà con bị lũ lụt, bị hạn hán, mất mùa và rộng hơn để vượt qua đói nghèo của toàn xã hội đã không chỉ là sự động viên tinh thần mà còn mang lại những đóng góp vật chất thiết thực, hỗ trợ rất lớn cho ngân sách Nhà nước trong lúc khó khăn. Cần hướng việc hỗ trợ cao đẹp này vào những mục tiêu sát với yêu cầu thực tế của bà con bị thiệt hại bởi thiên tai. Khi nước còn cao, địa bàn bị chia cắt, cần đủ lương thực, thực phẩm, nước uống. Khi nước rút, cần các hóa chất vệ sinh môi trường, giúp bà con ăn sạch, uống sạch, phòng ngừa dịch bệnh. Khi mùa lũ đã qua, cần thóc giống, con giống. Với các em nhỏ, cần hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Những hàng hóa ấy đến kịp thời, đúng đối tượng sẽ nhân lên gấp nhiều lần hiệu quả của biết bao tấm lòng từ thiện. Miền Trung ruột thịt đang kêu gọi. Giúp đỡ miền Trung lúc này là nghĩa vụ, là lương tâm của mỗi người.
Xa hơn, qua bài học từ đợt lũ lụt này, nên đưa việc giúp đỡ đồng bào bị thiên tai vào thường xuyên, thành lập quỹ hỗ trợ thiên tai do một tổ chức xã hội nào đó (chẳng hạn như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) quản lý và phân phối. Phải bảo đảm công khai, minh bạch để tạo niềm tin của người đóng góp. Nếu được như vậy, sẽ đỡ đi rất nhiều tốn kém, lãng phí do đi lại, bảo quản hàng hóa, lại đáp ứng đúng yêu cầu của hàng triệu người.
Phạm Vũ