.

Cơ hội mới cho nông dân

Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Quyết định 67/1999/QĐ-TTg đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp thực tiễn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng. Để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được xem là bước đi quan trọng khơi thông nguồn vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới.

Những năm gần đây, nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của nông dân luôn gặp không ít khó khăn, do thiếu vốn đầu tư, sự biến động của giá cả thị trường, thiên tai, dịch bệnh, đầu ra sản phẩm.

Vì vậy, sự ra đời của NĐ 41 là hết sức quan trọng. Với Nghị định mới này, việc vận hành cơ chế, chính sách, tài chính của các tổ chức tín dụng sẽ thông thoáng hơn và tác động to lớn, tích cực hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, giúp họ vươn lên, chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Theo NĐ 41, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng không cần tài sản thế chấp. Cán bộ một HTX trên địa bàn huyện Hòa Vang cho hay: Trước đây muốn vay vốn kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp để phục vụ cho xã viên, nhưng không được vay đến 50 triệu đồng. Vì nguồn vốn ít, nên hoạt động kinh doanh của HTX gặp không ít khó khăn. Với NĐ 41 quả là cơ hội thuận lợi cho HTX, bà con nông dân tiếp cận được nguồn tín dụng tương đối lớn để đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.

Trước đây, nông dân muốn vay ngân hàng, một nguyên tắc bất di bất dịch là  phải có tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp, nhưng NĐ 41 không cần thiết bảo đảm thế chấp tài sản. Các tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định hiện hành. Đồng thời, tổ chức tín dụng quy định rõ mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với từng đối tượng khách hàng. Một nông dân dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn có thể xem xét cho vay trong trường hợp chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận nông dân kia đang sử dụng, canh tác trên diện tích đất không tranh chấp.
 
Có thể nói, NĐ 41 đã tạo ra nhiều cơ hội giảm nghèo cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi. Bởi, ở các huyện miền núi, khu vực nông thôn, nguy cơ tái nghèo là rất cao, chỉ cần xảy ra một trận dịch, thiên tai nào là bà con khó cải thiện được đời sống bởi đồng bào không có vốn để tiếp tục sản xuất, chăn nuôi. Do đó khi NĐ 41 được triển khai thì nông dân hoàn toàn có khả năng phục hồi được sản xuất, chăn nuôi ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Bên cạnh việc nâng mức cho vay tối đa không có tài sản, NĐ 41 cũng quy định trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, khi có thông báo của các cấp có thẩm quyền, việc xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với tổ chức, cá nhân vay vốn bị thiệt hại nặng, không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, đối với lãi vay, NĐ 41 cũng quy định tổ chức tín dụng có chính sách miễn, giảm lãi đối với khách hàng tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp, để khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm nhằm hạn chế rủi ro đối với tổ chức tín dụng…

Việc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn đều được hưởng các chính sách theo NĐ 41 sẽ có tác động thúc đẩy tích cực việc đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ đạo, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, thì việc mở rộng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ gia đình vay vốn để sản xuất sẽ tác động tích cực tới việc củng cố và mở rộng các sản phẩm xuất khẩu hiện có (như gạo, thủy - hải sản, cà-phê, cao su...), đồng thời mở rộng thêm các sản phẩm có thế mạnh khác ở Việt Nam.

PHƯƠNG UYÊN
;
.
.
.
.
.