Về mục tiêu, phương hướng phát triển thành phố 5 năm 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020, Báo cáo Chính trị do đồng chí Bí thư Thành ủy trình bày tại Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng vừa qua cũng như Nghị quyết Đại hội khẳng định: “Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành một thành phố hấp dẫn và đáng sống”. Sự xuất hiện chính thức của khái niệm “thành phố đáng sống” trong một văn bản quan trọng bậc nhất của một kỳ Đại hội đã tạo bất ngờ lớn đối với những ai đang quan tâm và dõi theo sự phát triển của Đà Nẵng.
Khái niệm “thành phố đáng sống” hay “đô thị đáng sống”, “đô thị sống được” (theo tiếng Anh là liveable/livable city) có thể còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, thuật ngữ này đã xuất hiện cách đây hàng chục năm và đã được các nhà khoa học nghiên cứu về kinh tế, xã hội hoặc các vấn đề đô thị và đô thị hóa tập trung tìm hiểu. Tuy nhiên, do là một thuật ngữ xã hội được hình thành trong môi trường có nhiều yếu tố tương tác và bổ trợ cho nên ngay từ khi hình thành ý niệm cho đến nay, thế nào là “thành phố đáng sống” vẫn còn có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau.
A. Casellati trong tác phẩm “Bản chất của đáng sống” (The Nature of Livability) viết năm 1997 đưa ra khái niệm khá trừu tượng: “Đáng sống có nghĩa là chúng ta tự trải nghiệm bản thân như những con người thật sự trong thành phố đó”. Nhưng cũng có những cách hiểu khác hết sức đơn giản, trực diện và giàu tính nhân văn như định nghĩa của D. Hahlweg trong “Thành phố như một gia đình” (The City as a Family) năm 1997: “Một thành phố đáng sống là nơi tôi có thể có một cuộc sống lành mạnh, nơi tôi có cơ hội di chuyển dễ dàng - đi bộ, đi xe đạp, đi bằng phương tiện giao thông công cộng, hoặc thậm chí bằng xe hơi nếu không có sự lựa chọn nào khác. Thành phố đáng sống là thành phố cho tất cả mọi người.
Điều đó có nghĩa là một thành phố đáng sống cần phải hấp dẫn, đáng giá, an toàn cho con em chúng ta, cho cha mẹ chúng ta, chứ không chỉ dành riêng cho những người đến làm việc, kiếm tiền, sau đó đi và sống đâu đó ở vùng ngoại ô hay những cộng đồng lân cận. Đặc biệt quan trọng là trẻ em và người già cần phải được tiếp cận dễ dàng với không gian xanh, có nơi để vui đùa và gặp gỡ nhau, trò chuyện cùng nhau...”.
Bên cạnh đó, lại có định nghĩa mang tầm bao quát rất lớn khi xét đến yếu tố bền vững của một đô thị, chẳng hạn như cách hiểu của E. Salzano trong “Bảy mục tiêu nhằm đạt đến Thành phố đáng sống” (Seven Aims for the Livable City), năm 1997: “...một thành phố đáng sống cũng là một “thành phố bền vững”: một thành phố đáp ứng được nhu cầu của người dân nhưng không làm phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Trong thành phố đáng sống, các yếu tố xã hội và vật chất phải được kết hợp hài hòa...”.
Trên cơ sở các khái niệm, định nghĩa như trên và xuất phát từ tình hình thực tế tại mỗi đô thị, các nhà nghiên cứu và thậm chí là chính quyền một số đô thị đã đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí cần thiết để xây dựng thành phố của mình trở thành một nơi đáng sống hay sống được, ví dụ như: Seattle (Hoa Kỳ), Copenhagen (Đan Mạch), v.v…
Ngoài ra, hiện nay có một số tổ chức đứng ra xếp hạng các “thành phố đáng sống” nhất trên thế giới như Mạng khảo sát Chất lượng Cuộc sống Mercer (Mercer Quality of Living Survey), Mạng phân tích thông tin kinh tế (The Economist Intelligence Unit’s - EIU) thuộc Tạp chí Economist, hay Tạp chí Monocle của nước Anh. Hằng năm, cả ba mạng này đều công bố danh sách các thành phố đáng sống nhất trên thế giới với hầu hết các thành phố lọt vào nhóm 10 thành phố đáng sống nhất là ở những nước phát triển, trong đó có những cái tên khá quen thuộc và nổi tiếng.
Ví dụ, theo bảng xếp hạng của Monocle năm 2010, những thành phố đáng sống hàng đầu thế giới là Munich (Đức), Copenhagen (Đan Mạch), Zurich (Thụy Sỹ). Còn theo kết quả xếp hạng năm 2010 của EUI, ba vị trí đầu bảng thuộc về Vancouver (Canada), Vienna (Áo) và Melbourne (Úc). Đối với xếp hạng của Mercer, dựa trên 10 loại nội dụng gồm 39 tiêu chí, Mạng khảo sát này đã xếp hạng những thành phố đáng sống nhất trên thế giới lần lượt là Vienna, Zurich, Geneva, Vancouver,...
Với thành phố Đà Nẵng chúng ta, quãng thời gian gần 14 năm qua kể từ ngày trực thuộc Trung ương cho thấy rằng, có được diện mạo một thành phố văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp như ngày hôm nay một phần là nhờ chúng ta luôn biết tiếp thu có chọn lọc những yếu tố mới không chỉ của các địa phương khác trong nước mà còn từ khắp các đô thị phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, cần nhận thức rõ ràng rằng, mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống không có nghĩa là phát triển một cách cóp nhặt, rập khuôn theo kiểu “thấy nơi khác thực hiện thành công thì làm theo” hoặc chỉ nhằm mục tiêu lọt vào danh sách, bảng xếp hạng của một cơ quan nghiên cứu, tạp chí khảo sát nào đó trên thế giới. Xây dựng “thành phố đáng sống” không phải để chạy theo bệnh thành tích, khoe khoang mà cần hướng đến mục đích tối thượng là phục vụ người dân.
Khi cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc hơn, khi cuộc sống có sự cân bằng, hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ; khi cuộc sống mà ở đó thời gian sống đối với mỗi người thực sự là món quà tặng quý giá thì cũng là lúc sức mạnh đồng thuận - thế mạnh, niềm tự hào và cũng là bài học sâu sắc nhất, bài học đầu tiên và muôn thuở, bài học của mọi lúc, mọi nơi mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đúc kết được trong suốt chặng đường vừa qua sẽ càng mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần, sẽ là động lực thúc đẩy thành phố bứt phá quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.
Đồng thời, cần xác định rằng, khi đặt ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - “thành phố đáng sống” không có nghĩa và cũng không cần thiết để suy luận ngay là thành phố chúng ta hiện nay “không” hay “chưa”… đáng sống. Điều quan trọng hơn cả là khi đích hướng tới đã được xác lập chính thức. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ hoạch định những chiến lược, thực thi những biện pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu nhằm giải mã khái niệm “thành phố đáng sống” một cách chính xác nhất, phù hợp nhất. Và hơn hết, “thành phố đáng sống” không phải chỉ là đối với một người, một số người hay nhóm người, mà là với tất cả mọi người, từ những người dân bình thường nhất cho tới những du khách, doanh nhân, nhà đầu tư, từ những người phương xa muốn đến sinh sống, lập nghiệp đến những người con xa xứ muốn quay về với mảnh đất Đà Nẵng quê hương.
Việc xây dựng Đà Nẵng thành “thành phố đáng sống” không phải là một ý tưởng viễn vông, lại càng không phải là một mục tiêu xa vời. Có thể khẳng định, chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng để đạt được kết quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, cần thiết phải tập hợp tất cả chính sách, kế hoạch cho một mục tiêu chung, một chiến lược tổng thể.
Và ngay từ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, dáng dấp một “thành phố đáng sống” đã dần hiện ra đó là: phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng có quy mô dân số không vượt quá 2 triệu người, trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống; và 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng là: 1) Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại; 2) Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; 3) Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; 4) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; 5) Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là những gì mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Đà Nẵng đang chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện. Những đề án, chính sách xây dựng và phát triển thành phố hiện nay đã, đang và sẽ tạo dựng nền móng vững chắc cho khả năng hiện thực hóa mục tiêu đó trong một tương lai không xa.
Đà Nẵng, thành phố của chúng ta rồi đây sẽ không chỉ là một “thành phố môi trường”, một “thành phố sự kiện” mà sẽ được nhắc đến như một “thành phố đáng sống”. Một khái niệm, một thuật ngữ hay một chính sách mới bao giờ cũng không thể tránh khỏi những hoài nghi buổi ban đầu, với những ý kiến còn nhiều băn khoăn và thậm chí cả trái chiều. Nhưng trên hết, đó là tương lai tất yếu mà tất cả chúng ta cần hướng đến. Trên chặng đường dài đầy cam go, thử thách đó, một lần nữa và hơn bao giờ hết sẽ cần đến sức mạnh đồng thuận, cần sự đồng lòng góp sức của nhân dân để cùng với Đảng bộ và chính quyền thành phố thực hiện thắng lợi mục tiêu đầy tính nhân bản này.
PHAN VĂN TÂM