Trung tuần tháng 10 vừa qua, 4 cơ quan: Sở VH-TT-DL, Sở Công thương, Sở LĐ-TB-XH và Công an thành phố Đà Nẵng đã cùng ký kết Kế hoạch 2730 với nội dung nhằm chấm dứt nạn bán hàng rong giả dạng để ăn xin; nạn chèo kéo, bu bám du khách; nạn cò mồi dịch vụ, môi giới hàng giả, hàng cấm… Kế hoạch nhằm duy trì tính bền vững của mục tiêu “không có người lang thang xin ăn” trong Chương trình thành phố “5 không”.
Những nạn trên nhìn qua thì tưởng như là “chuyện nhỏ” nhưng thực ra là vấn nạn nhức nhối vô cùng. Chúng gây ra nhiều hệ lụy và nhất là, tạo ra sự phản cảm đối với môi trường văn hóa, hình ảnh của địa phương cũng như tình cảm của du khách khi đến với Đà Nẵng.
Ai cũng biết đi du lịch – đến với vùng đất mới hay trở lại thăm con người, cảnh vật của nơi mà mình cảm mến, yêu cầu đầu tiên là sự thoải mái, nhẹ nhõm của tâm hồn; sự hài lòng về điều kiện, không gian sống; sự tăng thêm của niềm hạnh phúc trong các mối đồng cảm, sẻ chia. Để có được tất cả những cái “được/có” trên, cái “không gian riêng tư” của con người là điều nhất thiết phải được tôn trọng. Nếu đi thăm thú mà luôn luôn “bị” hết cái này đến cái khác thì sự bức bối là không thể nào tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra luôn có sẵn câu trả lời: Liệu có du khách nào muốn đến (và giới thiệu cho nhiều người khác đến) vùng đất mà mình luôn bị khó chịu hay không?
Mặt khác, các dạng hoạt động của nạn bán hàng rong với khuôn mặt ủ ê, giọng nói thảm thê để xin ăn là chính; cò mồi dịch vụ với sự “làm giá”, “dứt giá” theo nguyên tắc loại bỏ mọi đối tượng cạnh tranh theo kiểu rừng nào cọp nấy; nạn chèo kéo khách về khách sạn, nhà hàng, phải chỉ đích danh đó là các hình thức cướp cạn giữa ban ngày. Chẳng ai muốn mình bị biến thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, cướp bóc. Đó là chưa nói những tình trạng trên đã và đang tạo ra sự hỗn loạn cục bộ về trật tự, an toàn xã hội.
Giải pháp ở đâu?
Kế hoạch liên ngành 2730 đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh niêm yết bản cam kết công khai “Không để người bán hàng rong, bán sách dạo, đánh giày và người giả dạng bán hàng rong để ăn xin trong khu vực kinh doanh” nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện kế hoạch. Việc Sở LĐ-TB-XH có kế hoạch để hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn cũng như ngành Công an phân loại đối tượng, kiểm tra và kiểm soát nhân thân, nơi cư trú; buộc các đối tượng ngoài địa phương phải cam kết…, là những hoạt động tương tác, đồng bộ cần phải được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.
Tuy nhiên, phải thấy rõ một thực tế rằng có một tình trạng chung (khá phổ biến lâu nay trên toàn quốc) là tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” – sau một chiến dịch, một đợt truy quét là đâu lại hoàn đấy vì sự lì lợm của thói quen và tệ nạn là điều không dễ dàng thay đổi. Do đó, không thể chỉ giải quyết Kế hoạch 2730 trong một tháng cụ thể là tháng 10 mà nên duy trì lâu dài, chẳng hạn, mỗi năm hai hoặc 3 lần triển khai việc “nhắc lại” kế hoạch đó. Có như vậy mới xóa sạch mọi vết đen văn hóa, môi trường mới có thể thực hiện được.
Để có được một thành phố đáng sống hiểu theo nghĩa toàn diện và cao đẹp nhất, khó khăn và thách thức là những điều không thể tránh khỏi. Đó là một con đường dài, rất dài. Để đến cái đích của niềm vui, thành công và hạnh phúc đòi hỏi sự nỗ lực và bền bỉ. Không có một thách thức nào cần nhiều đến sự bền bỉ, quyết tâm, tính liên tục như việc đấu tranh để chống lại cái ác, cái xấu đã tồn tại lâu dài.
Hà Văn Thịnh