Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương; Thông hiểu để tin tưởng (Think global, act local; Understand to Believe!)... Những câu châm ngôn như vậy ngày nay ta có thể bắt gặp dễ dàng khi đến phòng làm việc của các giám đốc doanh nghiệp, cho dù họ hoạt động trong lĩnh vực nào. Nhiều doanh nhân coi đó như những kim chỉ nam làm việc mỗi ngày...
Doanh nhân ngày nay, qua những chi tiết này cho thấy họ là một tầng lớp có học thức và văn hóa. “Hành động địa phương” có ý nghĩa khá rộng không chỉ trong các hoạt động xã hội mà cả trong quá trình điều hành quản lý doanh nghiệp. Nó vừa khai thác được thế mạnh về tiềm năng tại chỗ, trong đó có cả tiềm năng về văn hóa. Những hành động địa phương nhưng được đặt trên những tiêu chuẩn phổ biến về chất lượng sản phẩm dịch vụ, phương thức tiếp cận thị trường, quản lý nhân sự và đặc biệt đó cũng là hành vi ứng xử văn hóa trên thương trường. Còn việc thông hiểu những vấn đề của xí nghiệp, công ty đồng thời thông hiểu cả những giá trị về con người là để vạch ra những hướng đi thích hợp mang tính cộng đồng trên đường phát triển... Một giám đốc doanh nghiệp trong ngành Dệt-may giải thích như vậy với người viết về những châm ngôn trên.
Những điều trên đây không phải là ngoa ngôn. Nó bắt đầu từ thực tiễn và quay lại phục vụ, giải quyết những vấn đề của thực tiễn kinh doanh đang đặt ra. Ông Huỳnh Văn Chính, nguyên Giám đốc Công ty Dệt-may 29-3 (Hachiba) trong gần 30 năm, kể với tôi câu chuyện sau đây khi ông đến Nhật làm việc với tập đoàn Mitsubishi: “Hai nhân viên nữ vào vòng cuối cuộc tuyển chọn nhân sự cho nghiên cứu thị trường của tập đoàn này. Kẻ chín lạng, người nửa cân nên người ta không biết chọn ai.
Buổi tiếp xúc cuối cùng của Tổng giám đốc cũng không đi đến kết luận dứt khoát, đành hẹn sẽ trả lời bằng thư riêng. Khi hai nhân viên này trên đường rời hội sở, trên màn hình, Tổng giám đốc thấy một trong hai người đã cúi xuống nhặt một mẩu rác bỏ vào thùng và ông ta tức khắc thay đổi ý nghĩ, cho gọi ngay cô gái kia trở lại và tuyển vào làm việc”. Đó là một act local, mà mỗi viên chức của một tập đoàn kinh doanh tiếng tăm như Mitsubishi được đòi hỏi như một phẩm chất tiên định, ông Chính kể lại.
Người viết quen biết một chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thức ăn gia súc và lương thực ở Quảng Nam nhiều năm nay. Từng là một chiến sĩ trinh sát từ năm 15 tuổi; sau chiến tranh anh vào làm công nhân nhà máy rồi đi lao động xuất khẩu bên Đông Âu hơn chục năm trước khi về nước mở xí nghiệp riêng. Vừa làm việc vừa tự học, học cả ở những nhân viên có bằng cấp chuyên môn cao hơn mình lẫn những người lao động giản đơn. Nhờ quá trình gần gũi đó, trên cương vị chủ doanh nghiệp, anh hiểu tường tận hoàn cảnh từng người và chia sẻ với họ bằng việc làm cụ thể khi hữu sự.
Ngược lại, công nhân cũng hiểu từng hoạt động của xí nghiệp và biết rõ thu nhập của họ được chăm chút, bảo vệ một cách minh bạch, vững chắc... Hơn 1.000 nhân viên làm việc với vị giám đốc này tuy quanh năm ăn ở xa nhà trên khắp cả nước, nhưng ai cũng yên tâm, vui vẻ. Vị giám đốc này kể, có lúc anh từng đi công tác ra nước ngoài cả tháng trời, nhưng công việc vẫn chạy đều, hằng ngày anh vẫn nắm được tình hình mọi mặt của đơn vị. Theo anh, cách quản lý đó anh học từ những năm đi làm việc ở nước ngoài và chỉ có sự thông hiểu (hai chiều) mới tạo ra nền tảng của lòng tin và sự vững chắc trong mỗi doanh nghiệp.
Nhưng quan trọng hơn ở doanh nghiệp tư nhân này lại là một thứ “hành động địa phương” không đụng hàng. Anh mua lại toàn bộ hèm bia, thứ phẩm của các nhà máy bột sắn, bột cá... chế biến thành thức ăn gia súc phục vụ phong trào chăn nuôi gia đình, chăn nuôi trang trại ở các tỉnh. Bước thứ hai, nghiên cứu xây dựng các cụm biogas cung cấp chất đốt cho các nhà máy bột sắn, các trang trại chăn nuôi và cả các túi biogas cho các hộ chăn nuôi nhỏ, góp phần giải quyết bài toán môi trường ngay tận gốc. Có nhà máy tiết kiệm đến 5 tỷ đồng chi phí chất đốt mỗi năm mà không thải chất độc hại ra môi trường...
Trong hàng loạt “hành động địa phương” liên quan đến môi trường, ta còn nhận ra nhiều doanh nhân hoạt động khá âm thầm nhưng nhẫn nại vì mục đích bảo vệ môi trường. Một Ecotours ở sông nước Hội An cùng du khách thu gom rác thải. Hàng chục doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vườn ươm, cung cấp cây xanh, cây cảnh cho sinh hoạt đô thị và các công viên vườn cảnh... Từ “hành động địa phương”, nhiều doanh nhân tiếp cận với công nghệ sinh học, kỹ thuật nuôi cấy mô nhân giống ở các thị trường tiên tiến trong khu vực và thế giới...
Cung cách làm ăn và quản lý từ lớp doanh nhân mới hiện nay của chúng ta vừa phong phú vừa đa dạng, mà vài trích dẫn trên đây chỉ là những lát cắt nhỏ. Kết quả đó xuất phát từ cuộc “chuyển giao công nghệ” âm thầm và bền bỉ trong hơn hai thập niên đổi mới vừa qua. Chuyển giao do chúng ta đi làm thuê, đi hợp tác, liên doanh mà học được; nhưng cũng có hình thái chuyển giao nhờ những doanh nhân có trình độ học vấn, ham học hỏi khi ra nước ngoài, khi tiếp xúc với đồng nghiệp... Kết quả là những “hành động địa phương” ngày càng có ý nghĩa thời đại , ý nghĩa toàn cầu khá rõ rệt. Đôi khi những “act local” đó góp phần tránh những sai lầm trong quá trình phát triển, mà “chi phí sửa chữa sai lầm” có lúc, có nơi đã gây ra những hậu quả khôn lường cho nền kinh tế. Vì vậy, theo tôi, họ là những doanh nhân cần được vinh danh vào mỗi dịp 13-10 hằng năm.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG