Báo Đà Nẵng số ra gần đây đã có bài phản ánh những khó khăn khi triển khai Nghị định 41, một chủ trương lớn và rất quan trọng của Chính phủ nhằm triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Bài viết này xin góp thêm một số ý kiến để làm rõ hơn một số vướng mắc mà bài báo đã đề cập, tạo sự thống nhất về cách hiểu, cách triển khai Nghị định 41 hiệu quả hơn trong thời gian đến.
Trước hết, vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn và lãi suất dành cho đầu tư lĩnh vực tam nông. Đây cũng là băn khoăn của đại đa số nông dân, chủ doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện sản xuất nông nghiệp phải thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất có xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Với vai trò chủ lực của mình trên thị trường tín dụng nông thôn, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khẳng định cam kết không để tình trạng thiếu vốn xảy ra, sẵn sàng đáp ứng đủ các nhu cầu vốn cần thiết, hợp lý cho sản xuất và chế biến nông nghiệp, kể cả các nhu cầu vốn được hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ để mua sắm máy móc, thiết bị, chi phí vật tư, phân bón, xe vận tải nhẹ, vật liệu xây dựng các loại để làm nhà ở... với mức hỗ trợ cao nhất là 100% và thấp nhất là 2%/năm.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, lãi suất cho vay nói chung được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận, nhưng riêng lãi suất dành cho lĩnh vực trực tiếp sản xuất nông nghiệp được thiết kế ở khung thấp nhất, trong đó cho vay ngắn hạn tối đa 12,3%/năm, trung - dài hạn tối đa 13,5- 14,5%/năm. Theo chủ trương chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian đến sẽ tiếp tục giảm dần tùy thuộc vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, khi đó hy vọng sẽ có mức lãi suất hợp lý và tốt hơn dành cho khu vực kinh tế nông nghiệp và nông thôn.
Nghị định 41 quy định khi vay vốn không có bảo đảm bằng tài sản, người vay phải nộp cho ngân hàng bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp GCNQSDĐ), hoặc có xác nhận của UBND cấp xã đối với các trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ và đất không có tranh chấp. Đây là biện pháp nhằm tránh rủi ro cho chính người vay và ngân hàng, đề phòng hiện tượng lạm dụng vay nợ ở nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, dẫn đến vượt quá khả năng thanh toán thực tế. Ngoài ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là tiêu chí quan trọng chứng minh tư cách người vay vốn, hội đủ điều kiện để Nhà nước giao đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài.
Hiện đang có sự ngộ nhận rằng hành vi nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng là không khác gì hành vi thế chấp tài sản (?). Theo luật định, khi tiến hành thế chấp tài sản vay vốn thì giữa người vay và ngân hàng phải hoàn thành đủ 4 thủ tục : 1- Công chứng hành vi thế chấp, 2- Đăng ký giao dịch bảo đảm, 3- Định giá tài sản thế chấp, 4- Ngân hàng được quyền phát mãi tài sản thế chấp khi người vay không trả được nợ. Như vậy việc nộp GCNQSDĐ cho ngân hàng để vay vốn theo tinh thần Nghị định 41 của Chính phủ chính là sự cải tiến rất quan trọng về mặt thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa và tạo thuận lợi tối đa cho người vay vốn, khác hẳn hành vi thế chấp theo quy định pháp luật hiện hành.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đó là phải hình thành nên một chiến lược bảo hiểm nông nghiệp toàn diện, ổn định lâu dài, từ đó tạo ra nguồn nội lực mạnh mẽ không chỉ giúp người nông dân đối phó có hiệu quả với nguy cơ thiên tai, dịch bệnh, những rủi ro bất khả kháng, mà còn tạo ra động lực hỗ trợ cho ngành sản xuất nông nghiệp vươn lên thành ngành sản xuất lớn, hiện đại, đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Ở tầm vĩ mô đã và đang có những tín hiệu tốt, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang soạn thảo chiến lược bảo hiểm nông nghiệp, có kế hoạch triển khai thí điểm đối với một số loại cây, con chuyên canh tại một số vùng, địa phương, đồng thời Nhà nước sẽ dành một khoản ngân sách đáng kể để hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm cho một số đối tượng là nông dân thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt ABIC), là đơn vị thành viên thuộc hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đã và đang phối hợp tích cực với các ban, ngành hữu quan để triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian đến. Bên cạnh đó, ABIC cũng đang cung cấp sản phẩm “Bảo an tín dụng” dành cho cá nhân khách hàng vay vốn, nhất là đối với những khách hàng vay không có tài sản bảo đảm, với mức phí rẻ, phù hợp theo từng đối tượng và lứa tuổi, thu hút được nhiều khách hàng tự nguyện tham gia.
Phước Long