Lũ rút ở Bắc miền Trung, lũ lại đe dọa Trung và Nam miền Trung. Theo kinh nghiệm nhiều năm, lũ năm nào, dù đầu vụ hay cuối vụ đều tàn khốc, việc hạn chế tác hại của lũ lụt dù ở vùng nào cũng gian khổ và cấp bách. Nhưng trước mắt vẫn là khắc phục hậu quả của hai cơn lũ lịch sử nhằm vào ba tỉnh phía Bắc miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Khắc phục hậu quả lũ lụt có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước nhất là lo ổn định cuộc sống của đồng bào. Trong ổn định cuộc sống thì trước hết là không để dân đói, không để dân bị bệnh tật. Không để dân đói, tuy khó nhưng không quá phức tạp. Trước mắt kịp thời có lương thực, thực phẩm cứu trợ đồng bào bị mất nguồn sống do lũ lụt. Lâu dài hơn, có đủ con giống, hạt giống, cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu để bà con khôi phục sản xuất, làm vụ đông kịp thời vụ.
Không để dân bệnh, lại khó khăn hơn vì đó là một chuỗi liên hoàn từ vệ sinh môi trường, phòng và chữa bệnh cho người (và cả cho gia súc) không riêng một người, một ngành làm được.
Nỗi lo lớn nhất là ô nhiễm nguồn nước. Bạo bệnh dịch tả ở Haiti sau động đất do sử dụng nước sông ô nhiễm, có vi khuẩn tả khiến hơn 200 người chết càng tăng thêm cảnh giác. Lũ lụt năm nay chủ yếu gây thiệt hại ở vùng núi, vùng đầu nguồn sông. Nước hòa tan phân rác từ các chuồng gia súc, nhà vệ sinh, các đống rác rưởi rồi đổ ra sông ngòi, tràn vào các giếng nước ăn. Hàng nghìn xác động vật bị lũ cuốn đang thối rữa, chưa được chôn lấp. Thuốc bảo vệ thực vật từ nhà kho, cánh đồng bị rửa trôi ra sông… là những mầm bệnh tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, đau mắt đỏ nguy hiểm.
Lũ phá nhà cửa, nhiều nơi nước rút chậm, người phải sống chung dài ngày với lợn gà, trâu bò. Nước rút cũng để lại nhiều bùn rác, vũng tù đọng. Muỗi, ruồi, dĩn (côn trùng có cánh, thường sống ở những vùng cây cối rậm rạp, ẩm thấp; có một loài hút máu người và súc vật) có điều kiện sinh sôi nảy nở, gây bệnh cho người và cho gia súc. Ngành y tế đã phát hiện, khoanh vùng dập dịch một số bệnh như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy ở những vùng vừa bị lụt. Không chỉ người, dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng ở trâu bò cũng tái xuất hiện ở miền Trung sau một thời gian tạm lắng xuống. Nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng của lũ lụt, mưa dài ngày, đất ngập nước, không khí có độ ẩm cao.
Cứu bệnh cũng như cứu hỏa. Để ngăn chặn dịch bệnh khu vực miền Trung vừa bị lũ lụt, cần triển khai nhanh các tổ nhóm phòng dịch, đưa thuốc làm sạch nước, phun thuốc, rắc vôi bột diệt khuẩn, diệt côn trùng gây bệnh ở những nơi lũ vừa rút. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch trong dân cư. Xây dựng lại các tủ thuốc. Khôi phục lại các trạm xá thôn, xã bị lũ cuốn trôi hoặc làm hư hỏng để có chỗ chữa bệnh. Công việc này chủ yếu dựa vào ngành y tế, chính quyền, đoàn thể các địa phương và ý thức của mỗi người dân. Nước dâng làm chết hàng trăm người. Nhưng nước rút để mầm bệnh ở lại, có thể gây bệnh cho hàng nghìn người nếu không tích cực phòng chống.
Phạm Vũ