.

Suy nghĩ về trận lũ lịch sử

Với lượng mưa đạt mức kỷ lục trên dưới 1.000 mm chỉ trong mấy ngày đầu tháng 10-2010, tương đương lượng mưa hơn nửa năm đã gây ra cơn đại hồng thủy nhấn chìm hàng trăm làng mạc tại các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị. Lũ lớn và dâng nhanh làm cho công tác phòng chống của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN và nhân dân các địa phương này lúng túng và bị động. Rất ít địa phương triển khai sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi lũ tràn về. Và hậu quả do lũ gây ra hết sức nặng nề: 85 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản ước trên 2.236 tỷ đồng.

Hiện tại, việc khắc phục hậu quả lũ lụt đang được các địa phương triển khai khẩn trương. Cùng theo đó là hoạt động cứu trợ đồng bào vùng lũ trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước. Với sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ mọi miền đất nước, tuy phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng chắc chắn các địa phương này sẽ sớm ổn định đời sống, đưa hoạt động trở lại bình thường. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là các cấp, các ngành sớm có những đánh giá thấu đáo tác hại thiên tai, đồng thời rút ra bài học, bởi đây là thời kỳ cao điểm của bão, lũ. Điều không thể tránh khỏi, là thời gian tới bão lũ sẽ tiếp tục xảy ra và không loại trừ tái diễn ở các địa phương lũ vừa rút; qua đó, giúp các địa phương đề ra phương án tối ưu đối phó với các tình huống thiên tai có khi vượt ngoài dự báo.

Trước hết phải thấy rằng, đợt lũ lịch sử xảy ra tại các tỉnh Bắc miền Trung, công tác dự báo của cơ quan chức năng còn quá nhiều bất cập. Qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy vào thời điểm trước và khi lũ xảy ra rất ít bản tin của ngành khí tượng thủy văn dự báo chính xác về lũ đặc biệt lớn đến vậy. Chính từ đó mà chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và người dân ở khu vực này không lường hết sự tàn khốc của lũ và họ phải gánh chịu hậu quả quá nặng nề. Bên cạnh đó, công tác cứu hộ, cứu nạn trong lũ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cũng phải thấy rằng, trước tình huống lũ đặc biệt lớn như vậy, cho dù công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” chu đáo đến mấy cũng không thể triển khai kịp. Đó là chưa nói lực lượng tại chỗ vừa mỏng, trang thiết bị thiếu và thô sơ, họ đành bó tay trước diễn biến quá nhanh của lũ. Rất may, lũ lớn nhưng không có bão và ít nơi xảy ra lũ quét, lở núi, thiệt hại về người tuy lớn nhưng chưa phải là thảm họa.

Vấn đề cần đề cập ở đây là khi lũ xảy ra, việc cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ chỉ do lực lượng tại chỗ, chủ yếu lực lượng vũ trang đảm nhiệm, trong khi lực lượng này không nhiều và phân tán, trang bị chưa phải đã đủ và hiện đại. Giá như vào thời điểm trước và khi lũ đạt đỉnh, việc cứu hộ, cứu nạn tại các vùng lũ có sự tiếp ứng kịp thời của lực lượng từ nơi khác đến, chắc chắn số người thiệt mạng không lớn đến vậy. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra cho các địa phương ngoài vùng lũ.
 
Họ không thể bàng quan khi địa phương bên cạnh đang phải gồng mình trước cơn hoạn nạn. Nếu như vào thời điểm cam go đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn từ Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng... ra tiếp ứng kịp thời, việc đối phó với lũ hiệu quả hơn nhiều. Đối với thành phố Đà Nẵng, đã không ít lần lực lượng cứu hộ, cứu nạn vượt ra ngoài địa giới thành phố mình giúp các địa phương khác chống chọi với thiên tai. Cụ thể như đợt lũ lịch sử năm 1999, mặc dù ở Đà Nẵng lũ cũng nhấn chìm hàng trăm làng mạc, khu dân cư trong biển nước, song sau khi tổ chức chu đáo công tác cứu hộ, cứu nạn tại chỗ, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh hồi đó đã trực tiếp chỉ huy lực lượng cứu hộ, cứu nạn khá lớn đưa gần chục chiếc ghe thuyền bất chấp đêm tối vào giúp đồng bào Quảng Nam đối phó với lũ.

Thêm nữa, hiện nay, các địa phương bị lũ tàn phá đang chồng chất khó khăn, họ phải gồng mình khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh... Giúp nhau lúc này không chỉ đơn thuần là gửi hàng cứu trợ, hỗ trợ kinh phí mà bằng hành động thiết thực như đưa lực lượng, trang thiết bị cùng chung tay góp sức với nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả cần thiết hơn nhiều.

Công tác đối phó với thiên tai ở Đà Nẵng tuy đã có cải thiện so nhiều năm trước, song không ai dám chắc sẽ đối phó thành công khi lũ đặc biệt lớn như đã xảy ra tại các tỉnh Bắc miền Trung thời gian qua và các tình huống thiên tai vượt ra ngoài mọi sự dự báo. Và như vậy, ngay từ bây giờ các cấp, các ngành cần kiểm tra lại công tác PCLB&TKCN của mình, để khi tình huống xảy ra không bị động, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

NGUYỄN CẦU
;
.
.
.
.
.