.

Thi đua tạo động lực phát triển

Đánh giá 5 năm triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước 2005-2010, UBND thành phố nhận định, phong trào đã huy động đồng bộ nhiều nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp và đạt những thành tựu quan trọng trong duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Có thể nhận thấy, sau 5 năm, thi đua đã thật sự trở thành động lực tinh thần to lớn, thúc đẩy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân không ngừng nỗ lực phấn đấu để chung tay xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp. Điều đáng trân trọng là qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện những tấm gương điển hình thi đua với trí tuệ, bàn tay, ý chí đầy nhiệt huyết, sáng tạo và tận tụy, họ đã trở thành những đầu tàu lôi cuốn người khác cùng tiến bộ và cùng phấn đấu vì mục tiêu phát triển của thành phố.

Trong cuộc sống, thi đua đã tạo nên động lực để tất cả các tầng lớp xã hội đều ra sức cống hiến cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Họ có thể chỉ là những người công nhân vệ sinh môi trường ngày đêm cần mẫn giữ cho thành phố xanh - sạch - đẹp, những người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp luôn cần cù, chịu khó, không ngừng nâng cao năng suất lao động, hăng hái thi đua sản xuất giỏi. Và đâu đó trong đời thường là những tấm gương thật đẹp về hành động tình nguyện hiến máu cứu người, sẵn sàng lao vào vùng bão lũ cứu dân gặp nạn, sẵn sàng hy sinh cho sự bình yên của thành phố...
 
Con số 5.000 sáng kiến, hơn 1.100 đề tài khoa học các cấp, 10 giải pháp kỹ thuật đạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 35 cá nhân được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là minh chứng cho nỗ lực thi đua sáng tạo không ngừng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn thành phố 5 năm qua. Điều đó cũng cho thấy, các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần phát huy trí tuệ của công nhân, viên chức, người lao động và là động lực để áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người cán bộ, đảng viên khi thực hiện những trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó.
 
5 năm qua, trong tất cả các ngành, địa phương, đơn vị đều xuất hiện những bông hoa điển hình tiên tiến vượt trội, họ chính là những chiến sĩ thi đua gương mẫu, là những anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, đang nỗ lực hết mình để xây đắp một tương lai tươi đẹp cho thành phố. Ở tương lai đó, người dân được sống trong một môi trường thật sự xanh - sạch - đẹp như mục tiêu của Đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”; mỗi người đều có công ăn việc làm, có nhà ở, trẻ em ở tất cả các độ tuổi đều được đến trường học tập, phụ nữ có quyền bình đẳng và được tôn trọng, trật tự an ninh xã hội bảo đảm, chất lượng sống của người dân ngày một nâng cao... Có thể khẳng định, suốt một chặng đường thi đua bền bỉ, liên tục, những đơn vị điển hình, những cá nhân tiên tiến đã tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn, thúc đẩy cả xã hội cùng tiến lên vì một Đà Nẵng phát triển ổn định và bền vững.

Trên thực tế, thi đua tạo nên kết quả khả quan trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhưng vẫn còn có những tập thể, cá nhân chỉ thi đua để lấy thành tích, cố gắng làm nhiều, làm nhanh nhưng lại không chú trọng đến chất lượng thật sự. Đây là điều đáng lo ngại trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị hiện nay. Có những nơi phát động thi đua theo phong trào, làm cho có rồi chỉ thực hiện qua loa, lúc tổng kết lại báo cáo một cách sơ sài, chung chung, không có một kết quả nào thật sự đáng ghi nhận.
 
Không ít cá nhân điển hình bị quên lãng, thiếu sự tuyên dương, khen thưởng, thiếu việc tuyên truyền, nêu gương để xã hội học tập. Sự động viên, khuyến khích, khen thưởng không kịp thời, không đúng người, đúng việc cũng giảm khả năng nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong thực tế cuộc sống và trong lao động sản xuất. Những hạn chế này cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong những năm tới.

Bất kỳ lúc nào, thi đua cũng thật sự cần thiết vì nó tạo nên động lực, sức mạnh tinh thần để mỗi người phấn đấu vươn lên, trước là vượt qua chính mình và sau nữa là cống hiến cho xã hội. Thi đua yêu nước không chỉ làm cho mỗi người tự soi mình, liên tục hoàn thiện để trở thành người cán bộ tốt, đảng viên gương mẫu, công dân tích cực mà điều quan trọng là đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết nhằm góp phần xây dựng một xã hội phát triển theo hướng hoàn thiện hơn.
 
Chính qua hình thức thi đua cũng tạo nên một sự cạnh tranh nhất định trong từng cá nhân, tập thể. Người này có thể nhìn thấy sự tiến bộ ở người khác mà nỗ lực hơn, một tập thể yếu cũng có thể thay đổi theo hướng tích cực để cạnh tranh với tập thể khác nhằm tìm kiếm một kết quả tốt hơn trong công việc. Và cứ như vậy, thi đua liên tục, kiên trì, bền bỉ nhất định sẽ mang lại những thành tích khả quan trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, một phong trào thi đua yêu nước sâu rộng sẽ tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, để từ đó, sức mạnh của sự đồng thuận lại nhân lên gấp nhiều lần. Sức mạnh ấy chính là nguồn lực nội tại để thành phố tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế quan trọng của mình trong tiến trình phát triển của đất nước.

Hà An
;
.
.
.
.
.