Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa đến việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và Việt Nam nằm trong nhóm những nước có nguy cơ cao nhất về tình trạng tái nghèo.
Tại một hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm khu vực miền Trung - Tây Nguyên (gồm 12 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Lâm Đồng) gần đây đã cho thấy nổi lên một hiện tượng: Những hộ dân đã được báo cáo xóa đói giảm nghèo nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại tiếp tục… tái nghèo! Tỷ lệ nghèo theo các báo cáo đã giảm xuống dưới 17% dân số, nhưng trên thực tế nhiều tỉnh cho thấy số hộ tái nghèo lại bằng hoặc cao hơn số được giảm nghèo như Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng.... Bình quân, có đến 60 - 70% số hộ tái nghèo tại khu vực miền Trung. Theo giải thích của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội do mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu còn thấp, sử dụng vốn chưa hướng vào những nguyên nhân nghèo đói bức xúc nhất; thu nhập của hộ cận nghèo còn bấp bênh; đã và đang xảy ra tình trạng ỷ lại vào chính sách ưu đãi và sự đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng...
Tuy nhiên, có một nguyên nhân hết sức quan trọng là thiên tai triền miên trong khu vực nông thôn như hạn hán, bão lũ cùng với sự quản lý lỏng lẻo, quan liêu trong xây dựng và thực hiện các dự án trọng điểm ở nông thôn cũng là tác nhân của tình trạng tái nghèo. Nguyên nhân này dẫn đến hệ quả khác về lãng phí trong đầu tư công là nhiều công trình của Nhà nước tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng do chủ quan và thiếu tính toán đã phải... trôi sông sau mỗi mùa lũ, như trường hợp của đập trên sông Quảng Huế ở xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) hay quy hoạch vội vã các vùng trồng cây nguyên liệu trong khi thiếu các nhà máy chế biến, không tính toán thị trường tiêu thụ và chính sách thu mua thỏa đáng cho người dân...
Nhìn vào thực trạng đời sống người dân trong các trận lũ đang diễn ra tại Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng thấy được điều này. Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình): “Chúng tôi giờ trở lại năm 1945 rồi. Hầu hết tài sản của người dân mất trắng, 95 ngôi nhà bị sập, gần 700 con trâu, bò và hàng ngàn con lợn chết, lúa gạo không còn lấy một hạt để ăn…”. Được biết, Tân Hóa là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, làm ăn kinh tế của huyện Minh Hóa, là xã đầu tiên trong huyện xin rút khỏi chương trình 135 của Chính phủ. Năng suất trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của xã luôn dẫn đầu huyện, chỉ còn lại 4% hộ nghèo. Sau 2 trận lũ lụt, nay Tân Hóa trở lại thời kỳ năm 1945, 100% hộ đói. Cái đói ở Tân Hóa sẽ kéo dài gần 1 năm, còn để xã trở lại bình thường, phải mất 5 năm...
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chiều 18-10, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có 178 xã bị ngập, trong đó có 105 xã bị chia cắt. Ông Cự đề nghị trung ương hỗ trợ Hà Tĩnh 5.000 tấn gạo, 2.000 tỷ đồng cứu đói vì hàng vạn gia đình hoàn toàn không còn tài sản. Ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã có 21 xã bị ngập sâu, trong đó có 9 xã bị cô lập. Đê tả sông Lam bị nứt phải tập trung cứu chữa. Tại Quảng Bình, dù lũ bắt đầu rút nhưng đến ngày 18-10 có 80 xã bị ngập, trong đó có 11 xã còn bị cô lập (Minh Hóa: 4 xã, Quảng Ninh: 7 xã).
Chúng tôi từng có mặt tại Nghệ An và Hà Tĩnh sau trận lũ lớn năm 2005, đã chứng kiến nhiều gia đình dọc sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và khu vực Năm Nam (năm xã phía nam huyện Nam Đàn) tan cửa nát nhà, trở về “con số không” như cách nói của họ... vì cách chống chịu bão lũ truyền thống đã quá lạc hậu! Nay thì một người dân ở Quảng Bình cho biết việc sống chung với lũ theo kiểu “4 tại chỗ” không còn hiệu quả vì lũ càng ngày càng cao, chảy mạnh hơn, cuốn sạch cả lương thực, nước uống dự trữ trên gác... Còn muốn tránh thiệt hại, muốn dời dân thì địa phương phải xây nhà 4-5 tầng may ra mới thực hiện được. Muốn quy hoạch dân cư đến nơi cao hơn, mỗi xã phải mất đến cả 100 tỷ đồng... Nhiều địa phương không có lấy một chiếc thuyền công để đi cứu dân lấy đâu ngân sách để đầu tư chừng đó tiền!
Tóm lại, tuy tốc độ giảm nghèo của Việt Nam đạt nhanh nhưng vẫn thiếu bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo khá đông rất dễ tái nghèo do những bất cập trong xây dựng chiến lược, triển khai các dự án cụ thể, xây dựng các quy hoạch ở nông thôn... Nếu áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 30A của Chính phủ, theo ý kiến một cán bộ lãnh đạo ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo từ đầu năm 2011 sẽ tăng lên trên 50%. Bên cạnh đó, bão lũ, hạn hán hằng năm là nguyên nhân tiếp theo tác động tiêu cực đến các nỗ lực vĩ mô về xóa đói giảm nghèo. Theo Cố vấn Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, ông Peter Chaudhey, nhiều dự án, chương trình giảm nghèo tại Việt Nam ra đời chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nảy sinh (nhất thời) nên chẳng theo kế hoạch, thiếu gắn kết lẫn nhau. Các bộ, ngành quản lý từng chương trình riêng biệt, thực hiện bằng phương pháp và nguồn tài chính khác nhau gây chồng chéo, lãng phí...
Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng các nước có nguy cơ cao về tái nghèo cần tập trung tài chính để 1- tạo công ăn việc làm, 2-cung cấp các dịch vụ cơ bản, 3- cơ sở hạ tầng, và 4- các chương trình an sinh xã hội cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Giải quyết căn cơ được 4 vấn đề trên, theo chúng tôi, không chỉ giảm được áp lực tái nghèo ở nông thôn mà còn tránh được các hệ lụy về di dân và môi trường hiện nay tại các đô thị.
Trương Điện Thắng