Với dự luật Viên chức được chỉnh lý lần này, hơn 1,2 triệu viên chức sẽ ra khỏi biên chế bởi được trả lương theo vị trí nhiệm vụ chứ không theo ngạch bậc như lâu nay. Điều này sẽ tác động lớn, gây lo lắng cho một bộ phận lao động, nhưng lại mở ra cơ hội tuyển dụng người thực tài.
Dự luật quan trọng này chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi hơn nữa vì số viên chức sẽ chuyển từ biên chế suốt đời sang chế độ hợp đồng làm việc lên đến 1,2 triệu người. Các ý kiến tranh cãi hiện nay là quy định như thế sẽ tạo ra sự không bình đẳng, phân biệt đối xử trong cùng đơn vị sự nghiệp công, làm giảm ý chí phấn đấu của viên chức, gây khó khăn khi áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết tranh chấp về quan hệ lao động, khiếu nại; hay cần tách bạch khái niệm giữa công chức và viên chức...
Thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức Nhà nước đều là nguồn nhân lực công, nhưng điểm khác nhau cơ bản là công chức hoạt động luôn gắn với thực thi công vụ, gắn với quyền lực Nhà nước. Trong khi đó, viên chức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Điều quan trọng nữa là nếu áp dụng dự luật Viên chức mới thì phải bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách để ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng, để từ đó tránh gây tâm lý hoang mang, không an tâm công tác. Bởi lẽ, dự luật này khi được ban hành sẽ có thể khiến một bộ phận viên chức rời bỏ vị trí đang làm để tìm việc ở các đơn vị khác nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm ổn định cuộc sống.
Mục đích của dự luật là nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ viên chức, thực hiện việc xây dựng đội ngũ viên chức theo nguyên tắc thực tài và đào thải, tạo cơ hội công bằng cho những người có năng lực. Những người không làm việc được, không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc sẽ được giải quyết bằng cách chấm dứt hợp đồng để tuyển dụng người khác xứng đáng hơn. Tất nhiên, nếu xét ở vị trí đơn vị sự nghiệp tuyển dụng viên chức, dự luật này là một bước tiến đáng kể trong việc cải cách mạnh mẽ quản lý viên chức.
Các đơn vị chỉ tuyển theo yêu cầu công việc, quản lý và trả lương cho viên chức theo vị trí việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp. Các đơn vị cũng sẽ dễ dàng điều chỉnh số người làm việc cần thiết, phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Nhưng nếu xét ở vị trí người lao động thì rất dễ dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi và cơ hội nếu việc xem xét, đánh giá thực tài không chuẩn xác.
Cơ quan, đơn vị nào cũng mong muốn tuyển được những người thực tài và không muốn để mất người tài. Nhưng làm sao để xác định người thực tài thì cần phải có một hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá chung một cách khách quan trên cơ sở sản phẩm lao động, thái độ công việc và phục vụ cũng như phẩm chất đạo đức, chứ không bằng tình cảm cá nhân. Bởi lẽ, thực tế đã có những câu chuyện đau lòng khi người tài không được trọng dụng, người tài bị đánh đồng với những người làm việc làng nhàng.
Dẫu biết các nhà làm luật khi nghiên cứu chỉnh lý dự luật này đã xem xét đến nguyên tắc thực tài và đào thải, dẫu biết thời kinh tế thị trường đặt ra yêu cầu ngày càng cao về năng lực, việc “vào-ra” là quy luật tất yếu, nhưng nguyên tắc dường như cũng có tính muôn mặt của nó vì còn phụ thuộc vào con người thực hiện. Nếu thực hiện nguyên tắc bằng thái độ công tâm, trong sáng vì mục tiêu chung thì những mục đích tốt đẹp đặt ra ban đầu sẽ vẹn nguyên ý nghĩa.
Trong khi đất nước ta đang đặc biệt chú trọng đến phát triển con người, xem con người là trung tâm của chiến lược phát triển, các địa phương đang tìm kiếm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thì mọi thay đổi, ban hành quy định mới liên quan đến vấn đề này đều cần tính đến phương án lâu dài, bảo đảm phù hợp với quy luật phát triển.
VĨNH AN