Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực thi hành đến nay đã hơn 4 tháng. Đơn vị chịu trách nhiệm thực thi nghị định là Ngân hàng NN&PTNT cũng đã có Quyết định số 881/QĐ-HĐQT-TDHo ngày 16-7-2010, Quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nội dung Nghị định và Thông tư 14/2010/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tại thành phố Đà Nẵng, theo Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hòa Vang, qua hơn 4 tháng triển khai đã có hàng nghìn hộ cá thể, chủ trang trại, HTX được vay với số tiền lớn đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn không ít vướng mắc, chủ yếu khách hàng không bảo đảm các tiêu chí quy định vay không bảo đảm bằng tài sản. Đa số khách hàng vẫn cho rằng, các ràng buộc có tính pháp lý về việc nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào ngân hàng để được giải ngân chẳng khác nào thế chấp tài sản làm cho họ ít có cơ hội tiếp cận với vốn vay. Không ít người phàn nàn ngân hàng gây khó dễ đối với họ.
So với quy định trước đây, tức là Quyết định 67/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 41 có mức cho vay cao hơn 5 lần, thủ tục cũng đơn giản hơn nhiều. Quyết định 67 quy định hộ cá thể chỉ được vay 10 triệu đồng, còn nay Nghị định 41 nâng mức vay lên 50 triệu đồng. Trước đây các khế ước vay đều phải có thế chấp tài sản, còn nay không thực hiện việc thế chấp mà chỉ cần nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngân hàng là được. Hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được vay khi có chứng nhận của UBND xã và đất không tranh chấp. Với mức vay tăng gấp 5 lần, cùng thủ tục đơn giản, Nghị định 41 là cơ hội cho các hộ cá thể, chủ trang trại, HTX tiếp cận nguồn vốn lớn đầu tư có bài bản cho các dự án phát triển kinh tế. Đây là chính sách kích cầu cho chương trình tam nông rất ý nghĩa.
Hiện tại, trong khách hàng đang có sự ngộ nhận về chính sách vay không bảo đảm bằng tài sản. Họ cho rằng, chỉ cần có hồ sơ xin vay vốn theo quy định, không cần thế chấp tài sản là hộ cá thể có thể vay đến 50 triệu đồng, chủ trang trại vay đến 200 triệu đồng và HTX vay đến 500 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị định 41 quy định khá chi tiết về vấn đề này. Cụ thể: Khách hàng vay không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính), hoặc giấy chứng nhận của UBND xã chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp cho ngân hàng nơi vay. Thực ra, quy định này là cơ sở làm tin giữa ngân hàng với người vay, đồng thời nâng cao trách nhiệm trả nợ như đã cam kết. Về đối tượng vay cũng quy định rất cụ thể. Chỉ những đối tượng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tại địa bàn nông thôn, có dự án khả thi mới được giải quyết vay vốn.
Huy động vốn và cho vay là chức năng của ngân hàng. Cơ quan này rất cần có khách hàng gửi và vay. Vấn đề họ quan tâm nhất là quản lý và thu hồi được vốn. Cơ sở để ngân hàng làm được điều đó chính là niềm tin với khách hàng thông qua sự ràng buộc nào đó. Cụ thể như Nghị định 41 quy định người vay nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngân hàng là cơ sở làm niềm tin. Thử nghĩ, nếu không có những quy định ràng buộc, chỉ là tín chấp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ..., liệu ngân hàng có bảo đảm thu hồi vốn?
Trong khi vốn giải ngân cho vay từ nguồn huy động trong nhân dân có cam kết thời hạn trả nợ và lãi suất theo quy định. Chủ trương cho vay khắc phục hậu quả lũ lụt năm 1999 là bài học lớn về cho vay tín chấp. Bài học đó đến nay vẫn nguyên giá trị khi hàng chục tỷ đồng của một số ngân hàng vẫn chưa thu hồi được, mặc dù tòa án đã có phán quyết. Không thể đổ lỗi cho ngân hàng gây khó dễ với người vay khi họ không hội đủ yếu tố tối thiểu nhất, đó là nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngân hàng. Quy định này cũng hạn chế tình trạng cùng một dự án nhưng vay ở nhiều tổ chức tín dụng khác nhau.
Nghị định 41 mở ra triển vọng mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để khơi thông nguồn vốn đến với các hộ cá thể, chủ trang trại, HTX, sự phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng và người vay có ý nghĩa quyết định. Và sẽ rất thuận lợi, nếu như cả hai bên đều thực hiện nghiêm túc các quy định rất chi tiết của Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
NGUYỄN CẦU