Cơn lũ lụt lịch sử tàn phá Bắc miền Trung vừa dứt thì đến lượt Trung và Nam Trung Bộ hứng chịu những cơn mưa như trút. Không có bão nhưng lũ lụt ở mức kỷ lục. Mưa 700mm ở Phan Rang, nơi khô hạn điển hình của cả nước lâu nay. Mưa trên 500mm, biến nhiều đường phố Nha Trang thành sông chảy xiết, điều chưa bao giờ có ở thành phố vịnh biển này.
Trong khi miền Trung lũ lụt thì hai đầu Bắc-Nam đang đứng trước nguy cơ hạn nặng cũng chưa từng xảy ra sau nhiều chục năm. Chưa chừng, miền Trung tan lũ cũng là lúc hạn về ngay nơi vừa ngập nước. Những sự kiện thời tiết như vậy đang phá vỡ những quy luật từng ổn định hàng trăm năm.
Những ngày này, cả nước đang cùng với miền Trung, nhất là Trung và Nam Trung bộ gồng mình chống lũ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang không quản hy sinh tính mạng vì cuộc sống của người dân, vì sự lưu thông bình thường giữa các miền của đất nước. Cuộc vật lộn gian khổ này cũng làm cháy bỏng hơn một khát vọng, cần tìm ra phương cách để việc hạn chế tác động của thiên tai mang tính chủ động hơn. Muốn vậy phải có một chiến lược phòng chống thiên tai, cứu nạn mới để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Trước hết là hệ thống giao thông, trong đó nổi lên sự thông suốt của quốc lộ 1A. Con đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này ngày càng bộc lộ tình trạng quá tải và rất dễ ách tắc do cầu yếu, nền đường thấp, cứ mưa lũ là xuất hiện nhiều đoạn úng ngập, có đoạn ngập sâu hàng mét, kéo dài nhiều ngày, cắt đứt giao thông, đe dọa tính mạng con người. Việc chiếc xe từ Đắk Nông ra Bắc bị trôi ở sông Lam và chuyện một chiếc xe khách khác được cứu trôi ở Khánh Hòa vừa qua là những bằng chứng.
Bị đe dọa nghiêm trọng không kém là đường sắt Bắc-Nam. Hai đợt lũ ở Quảng Bình-Hà Tĩnh phá hỏng hàng chục ki-lô-mét đường sắt từ Đức Thọ đến Quảng Trạch, buộc phải ngừng tàu, trung chuyển hàng chục ngàn hành khách trong chặng đường gần 100km suốt 2 tuần. Đoạn này vừa thông thì lại tắc ở khu vực Phan Rang - Tháp Chàm, Khánh Hòa do đợt lũ hiện nay.
Tiếp đến là hệ thống hồ thủy điện và thủy lợi đang treo lơ lửng trên đầu hàng triệu người. Chưa nói đến vỡ đập, chỉ việc hồ thủy điện sông Hinh xả lũ cũng đã nâng mức nước hạ lưu lên đột ngột. Các ruộng muối, vuông tôm, khu nuôi trồng thủy sản hiện nay đều chưa có bất kỳ phương cách gì chống lũ lụt. Thiên tai đến là đành phó mặc cho trời.
Một vấn đề nan giải khác là quy hoạch khu dân cư. Để tính mạng người dân được an toàn trước sóng thần, nước biển dâng, lũ lụt, sạt lở đất chắc chắn phải cần một số tiền khổng lồ. Tuy nhiên, không vì thế mà quên các khu dân cư hằng ngày, hằng giờ bị đe dọa. Chỉ một trận mưa như mấy ngày nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã chơi vơi trong biển lũ.
Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu phát triển đất nước phải gắn chặt chẽ hơn với các biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Mọi dự án, công trình cần đặt điều kiện số một là sức chống chịu cũng như ảnh hưởng của nó trước bão lũ, nước biển dâng, triều cường, sạt lở đất, nắng hạn. Không thể đòi hỏi có sự thay đổi ngay. Phải nhiều chục năm, nhiều khi hàng thế kỷ nữa may ra chúng ta mới có khả năng ứng phó với tình trạng thay đổi khí hậu trên trái đất, thậm chí sự ứng phó đó cũng chỉ dừng ở mức hạn chế thiệt hại. Nhưng qua những đợt lũ lụt ở miền Trung đã và đang diễn ra, cần sớm có một tư duy mới, một chiến lược mới để ứng phó.
Vũ Duy Thông