Theo phân tích của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tại báo cáo thẩm tra ngân sách năm 2008 vừa qua, chi thường xuyên của các cơ quan Nhà nước tiếp tục tăng cao, trong đó “các khoản chi khác” tăng đến 154%, chi quản lý hành chính tăng 8%... Năm 2009, Chính phủ xin bội chi khoảng 8% GDP, nếu được thông qua, số tiền chi vượt thu sẽ lên tới gần 9 tỷ USD. Đó là chưa kể chi cho mua sắm xe công theo chủ trương mới sẽ tiếp tục đẩy áp lực bội chi tăng hơn nữa trong năm nay và năm 2011.
Chi khác là chi vào việc gì? Các cơ quan Nhà nước thường hạch toán các khoản chi tiếp khách, hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết và các khoản chi không có trong danh mục chi chính thức... Và các khoản chi này cứ tăng một lần rưỡi cho mỗi tài khóa (5% năm 2008 rồi 8% năm 2009 và bao nhiêu nữa trong năm 2010?), có nghĩa là bên cạnh bộ máy hành chính cồng kềnh còn có những chi tiêu không cần thiết hoặc không kiểm soát được. Trong đó, có những khoản chi mà các nhà kinh tế từng đặt tên là “khuynh hướng khoa trương” trong những nền kinh tế đang phát triển.
Người viết bài này từng biết, chỉ tại một chứng từ của một UBND xã có khoảng 5.000 dân, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện chi 50 triệu đồng cho việc hội họp, liên hoan và tiếp khách. Số tiền này phải huy động từ nguồn đóng góp khác ngoài ngân sách và còn lắm khuất tất. Cũng từng thấy, nhất là trên truyền hình, ở mọi nơi trên đất nước ta, bất cứ cuộc hội họp nào cũng quá nhiều hoa và khẩu hiệu. Phó Thủ tướng đi dự khởi công một công trình thủy điện ở miền núi cũng đã có một xe riêng chở hoa của địa phương và bao nhiêu hoa khác của các đối tác đến chúc mừng...
Tôi từng tháp tùng Chủ tịch nước đi thăm Trung Quốc, tại cả Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh và các tỉnh khác, người ta cũng chỉ chưng vài bình hoa, một câu khẩu hiệu. Vào một khu công nghệ cao Chung Quang Thôn, khẩu hiệu chào mừng thậm chí chỉ chạy trên màn hình LCD đặt ở cửa vào. Xong thì tắt, chẳng tốn kém gì! Ở ta, Chủ tịch tỉnh xuống “thăm và làm việc” ở huyện, xã cũng có mấy khẩu hiệu, và đầy hoa trong các phòng họp. Đó là chưa kể các buổi tiệc chiêu đãi, xăng xe có còi hụ đón đưa... Tất cả các khoản này đều được thanh toán vào “các khoản chi khác”.
Bên cạnh đó, chi tiêu công lại tiếp tục phình ra với việc mua sắm các loại xe cộ đắt tiền ở các cơ quan Nhà nước. Hiện cả nước có khoảng 3 vạn xe công. Thời gian tới, sau khi Quyết định 61 cho phép được thay thế xe cũ, việc mua sắm xe công có thể tăng lên, nhất là trong năm 2011 với lý do mà theo Bộ Tài chính là nhiều xe sử dụng đến chục năm đã hết khấu hao (!?). Mức giá mua xe tối đa được tăng từ 800 triệu đồng/xe lên 1,1 tỷ đồng/xe phục vụ công tác cho các chức danh ở Trung ương và các thành phố... Đó là chưa kể nhiều ban, ngành cấp huyện, dù không có tiêu chuẩn xe con theo chức danh, cũng có đến vài ba chiếc mỗi cơ quan... mà báo chí từng lên tiếng. Cho nên con số 3 vạn chiếc trên đây vẫn chưa thật sự khả tín!
Chỉ với hai khoản xe công và chi tiêu khác thôi cũng đẩy gánh nặng chi tiêu công lên đáng kể trong tổng bội chi ngân sách, làm cho tốc độ tăng trưởng GDP mất hết ý nghĩa.
Trương Điện Thắng