.

Công viên Biển Đông

UBND thành phố Đà Nẵng vừa chính thức công bố Dự thảo đề án đặt tên đường, cầu và công viên đợt 2, năm 2010, để trình HĐND thành phố khóa VII tại kỳ họp thứ 17 (sẽ diễn ra đầu tháng 12-2010). Tại Dự thảo trên, UBND thành phố đề nghị đặt tên Công viên Biển Đông cho công viên mới (phía Đông đường Hoàng Sa, từ đầu cầu Sông Hàn ra đến bãi biển Mỹ Khê – nút cảnh quan đường Hoàng Sa-Phạm Văn Đồng).

 Có thể nói đây là một trong những tin thật vui và thật xúc động lòng người! Lâu nay, ai cũng biết là Biển Đông – vùng biển, đảo thuộc chủ quyền chính đáng của đất nước Việt Nam từ bao đời nay, của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay đang mỗi lúc một nóng lên bởi vô số những mưu toan bá quyền bất chấp đạo lý và công pháp quốc tế. Những tư tưởng và hành động thù địch đó muốn tìm mọi cách để “chứng minh” một cách kệch cỡm rằng Biển Đông là của họ; thậm chí, họ luôn gọi đó là “Biển Nam Trung Hoa” – theo cách gọi sai lầm của chủ nghĩa thực dân từ thế kỷ XVIII. Lịch sử biết rõ các đế quốc thực dân như Anh, Pháp... đã gây nên biết bao hệ lụy, sai lầm về biên giới, lãnh thổ, để lại hậu quả lâu dài cho hàng chục nước Á, Phi. Mặt khác, nếu không có một cách cải chính chính thức từ Nhà nước có chủ quyền thì sự ngộ nhận vẫn cứ tiếp tục, sự hiểu sai vấn đề vẫn cứ tiếp diễn.

Như rất nhiều lần đột phá về ý tưởng; đi trước về hành động; thấy trước về ý nghĩa lâu dài, cấp thiết; hiểu rõ và sâu lòng dân, tâm tư nguyện vọng của người dân – UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên Biển Đông cho một công viên mới và cũng là một trong những công viên đẹp nhất của thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có một địa danh trên đất liền mang tên Biển Đông(!)

Giá trị sâu sắc của vấn đề còn là ở chỗ: Bãi biển Mỹ Khê - một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất thế giới thường xuyên đón hàng ngàn du khách nước ngoài mỗi ngày. Chính vì thế, những người bạn quốc tế gần xa, trước khi đến với biển họ sẽ thấy, sẽ được ngắm Công viên Biển Đông. Khỏi phải nói cũng thấy rằng một cách tự nhiên, bạn bè quốc tế sẽ hiểu rõ hơn thực chất của vấn đề và, tất nhiên, đó là cách khẳng định chủ quyền rõ ràng và trân trọng nhất; cách để quảng bá một vấn đề vừa nhạy cảm, vừa quan trọng đối với loài người.

Công viên Biển Đông không chỉ là chuyện riêng của Đà Nẵng mà là điều rất cần được phổ biến, nhân rộng trên cả nước. Cũng tương tự như thế là các địa danh Hoàng Sa -Trường Sa phải ngày càng trở nên thân thuộc hơn, xuất hiện nhiều hơn trên các biển chỉ đường, các tên gọi trên mọi miền của Tổ quốc. Đà Nẵng, với tư cách là thành phố trực thuộc Trung ương đang quản lý huyện đảo Hoàng Sa, đã chứng tỏ được trách nhiệm cao cả và nghĩa vụ nặng nề trước nhân dân cả nước.

Rất cần nhấn mạnh một đề nghị là: Có nên chăng khi Công viên Biển Đông được hoàn thiện, sẽ có các công trình mang tên Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Côn Đảo...? Nếu được như thế thì sẽ tốt đẹp và ý nghĩa biết bao...

Cuộc sống luôn cho chúng ta thấy rằng những đột phá và sự mới mẻ của ý tưởng bao giờ cũng là điều có thể. Làm mới chính mình và làm mới mỗi ngày là nguyên tắc của phát triển, của cuộc sống. Điều đặc biệt đáng trân trọng là: Cái mới đó vừa ích nước, lợi nhà lại vừa có được sự đồng cảm, xúc động của hàng triệu trái tim người...

Hà Văn Thịnh
;
.
.
.
.
.