.

Giám sát và phản biện xã hội

Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) nhưng trong thực tế, việc thực hiện chức năng này chưa đạt hiệu quả cao và chưa thu hút toàn dân cùng tham gia.
 
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, ngoài việc tập hợp, đoàn kết sức mạnh nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thì yêu cầu phát huy và tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tầng lớp nhân dân là rất cần thiết.

MTTQVN là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Chính vì vậy, Mặt trận có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức chính trị và hành động của tất cả các hội, đoàn thể và nhân dân. Với tầm ảnh hưởng sâu rộng của mình, việc tổ chức, triển khai và thực hiện tốt vai trò giám sát không những tăng sức mạnh của Mặt trận mà còn thể hiện tính dân chủ trong đời sống chính trị-xã hội, phát huy ý chí của nhân dân trong nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước. Có thể thấy, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận các cấp, hoạt động giám sát được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của chính quyền; giám sát đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền; giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; giám sát các công trình dân sinh, các dự án phát triển…
 
Từ cấp nhỏ nhất ở địa phương là Ban Công tác Mặt trận đều có thể tập hợp nhân dân, khuyến khích, động viên toàn dân cùng tham gia thực hiện chức năng giám sát. Qua đó, kịp thời phản ánh những vấn đề còn tồn tại và phối hợp cùng Đảng, chính quyền xây dựng giải pháp khắc phục một cách hiệu quả. Thông qua những kết quả giám sát, Mặt trận đại diện cho các tầng lớp nhân dân nêu lên ý kiến phản biện, thể hiện rõ quan điểm của mình một cách khoa học, chặt chẽ và từ đó, yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền có những động thái tiếp thu, phản hồi và xử lý phù hợp. Việc phản biện có thể qua nhiều kênh thông tin khác nhau như văn bản hành chính, trực tiếp phản ánh tại các cuộc họp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông… Tính phản biện xã hội khi thực hiện tốt sẽ góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Mặt trận trong quá trình phát triển của đất nước.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng trên thực tế, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp chưa thể hiện rõ trong đời sống chính trị, xã hội. Xét ở nhiều khía cạnh, nguyên nhân của thực trạng này một phần do cách nhìn nhận, đánh giá của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với vai trò giám sát của Mặt trận chưa đúng mức. Trong nhiều trường hợp, chưa chú trọng việc lấy ý kiến rộng rãi trong các thành viên của Mặt trận, trong nhân dân về các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Theo quy định chung, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận.
 
Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Đảng và Mặt trận ở tất cả các cấp, làm sao tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành một sinh hoạt chính trị thường xuyên của nhân dân. Ngoài ra, là nơi đoàn kết các tầng lớp xã hội, nên Mặt trận có thể thu thập các thông tin giám sát từ phía nhân dân, kể cả những phản biện của dân đối với Đảng, chính quyền và sau đó, truyền đạt lại với tổ chức Đảng, với những cấp có thẩm quyền. Làm được điều này, Mặt trận phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, giúp cho người dân thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển xã hội, chống lại những hành vi quan liêu, tham nhũng, chống đói nghèo, tụt hậu, góp phần làm trong sạch hệ thống Đảng, chính quyền.

Nhiệm vụ thường xuyên của Mặt trận là tập hợp, đoàn kết, động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, mở rộng đối ngoại nhân dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Song song với những nhiệm vụ này, nhất thiết phải đẩy mạnh việc thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. Cần có tiếng nói quyết liệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm của dân, của Mặt trận trên con đường phát triển của xã hội. Nếu không giám sát thì không nắm rõ thực trạng đời sống cũng như việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng, của Nhà nước và nếu không phản biện thì không thể hiện được trách nhiệm xây dựng đất nước của mỗi người dân.
 
Không phải cứ nghe, nhìn, thấy rồi lại làm ngơ mà phải hành động bằng cách thông qua các cấp Mặt trận phản ánh những điều mắt thấy tai nghe, nói lên những ý kiến tâm huyết đối với sự nghiệp phát triển của xã hội. Phản biện xã hội phải là hành động thực tế, thẳng thắn trình bày ý kiến, tham gia góp ý trực tiếp với Đảng, với chính quyền. Trong thời kỳ đổi mới, đời sống chính trị - xã hội diễn biễn phức tạp, nếu như có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, của Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng với cách phản biện xã hội hiệu quả, nhất định sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần cùng Đảng và Nhà nước xây dựng những chương trình, giải pháp hữu hiệu để trong sạch bộ máy hành chính, đưa đất nước vững bước tiến lên.

Hà An
;
.
.
.
.
.