Báo Đà Nẵng vừa có bài viết về “Hành lang đi bộ” mang tính thí điểm trong thành phố. Theo ông Thái Ngọc Trung, Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, một quy định vừa được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành, tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối từ Sân bay quốc tế Đà Nẵng thẳng ra đến biển sẽ là tuyến đường đầu tiên trên địa bàn thành phố có mái che hành lang đi bộ.
Bài báo cho biết: “Trước mắt, quy định này áp dụng cho đường Nguyễn Văn Linh nối dài mới mở (từ giao lộ Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu đến bờ Tây cầu Rồng), chưa có các công trình xây dựng...” và “Đường Nguyễn Văn Linh cũ (từ sân bay đến giao lộ Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu) đã xây dựng kín công trình nhưng không đều, kết cấu không thống nhất, bảng quảng cáo dày đặc… nên sẽ thực hiện thí điểm để lấy ý kiến người dân trên đoạn từ 50 - 100m tính từ Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hướng về phía sân bay. Nếu thấy phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực sẽ tiến hành trên toàn tuyến...”.
Trước hết, với hai đoạn trích nêu trên, do điều kiện thực tế khách quan không thể nói toàn tuyến đường Nguyễn Văn Linh “từ sân bay thẳng ra đến biển” sẽ là tuyến hành lang đi bộ có mái che. Vì còn có điều kiện “nếu thấy phù hợp” sau khi thí điểm lấy ý kiến người dân cho đoạn từ sân bay đến giao điểm Hoàng Diệu. Cho nên theo chúng tôi, hãy cứ thực hiện chủ trương này cho phần còn lại của toàn tuyến chưa có công trình xây dựng và một số tuyến đường khác mà khả năng sẽ trở thành các tuyến đường thương mại.
Mặt khác và quan trọng hơn, đây là một chủ trương cần thiết để xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại mà Đà Nẵng đang hướng tới. Tất cả các lề đường của một đô thị hiện đại bao giờ cũng chỉ dành cho người đi bộ. Muốn trả lại “chức năng” của lề đường như nó vốn có không thể chỉ xuất phát từ một quy định mang tính hành chính đơn thuần, mà đòi hỏi hàng loạt biện pháp đồng bộ về mặt quản lý Nhà nước và hành vi mang tính cộng đồng của cư dân.
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng phải đi trước một bước. Nếu không, nhà cửa, ô-tơ, bậc thềm và cả lề đường ở các mặt tiền đường phố sẽ lổn nhổn cao thấp tùy tiện. Đoạn đường Nguyễn Văn Linh từ bùng binh Hoàng Diệu đến sân bay tuy mới hình thành hơn chục năm nay, nhưng do buông lỏng trong việc quản lý xây dựng nên hậu quả như ta đã thấy. Ở các lề đường nói chung, việc kê kích hàng hóa, cho mở các quán cóc, để xe máy và đổ cả vật liệu xây dựng ra sát mép đường như lâu nay là một vấn nạn sẽ còn dai dẳng nếu thiếu các biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Nhiều đường phố mới tuy đã có bó vỉa hợp lý cho việc dắt xe cộ lên xuống, nhưng nhiều hộ dân ở mặt tiền vẫn đục trát làm lối lên xuống riêng, lấn xuống lòng đường nhưng chẳng thấy cơ quan nào xử lý.
Nhiều hộ xây nền nhà cao tùy tiện và xây đường dẫn cho xe cao hơn hẳn lề đường cũng không ai có ý kiến! Do đó, trước tiên vẫn là quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch đó một cách nghiêm ngặt. Đô thị văn minh, hiện đại cần có các điểm gửi xe máy tập trung, các hàng quán mở ra ở lề đường cũng cần quy hoạch lại ở một số vị trí hợp lý. Ở Singapore, tuy đất hẹp, người ta cũng đã dành ra hàng chục ngàn mét vuông cho những người gốc Hoa nghèo mở quán ăn tại khu Maxwell gần đường phố lớn Geylang rất sạch đẹp và văn minh, những người buôn bán nhỏ có điều kiện hơn thì thuê mặt bằng trong các siêu thị. Kinh nghiệm này Đà Nẵng có thể làm được để trả lề đường luộm thuộm hiện nay cho người đi bộ.
Giải quyết được những vấn đề trên từ đầu và nghiêm khắc, chắc chắn trong vài năm tới thành phố không chỉ có mỗi một đoạn đường Nguyễn Văn Linh có hành lang đi bộ hoặc hành lang đi bộ có mái che. Một đô thị văn minh, hiện đại cần có nhiều khu phố, khu thương mại có hành lang cho người đi mua sắm, dạo phố. Đô thị đó phải được quản lý và thể chế việc quản lý đó trên từng centimet vuông!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG