Hầu như hiếm khi trong các bài bình luận, các báo trong nước lại có cùng một ý kiến như trường hợp tạp chí Địa lý Quốc gia (National Geographic), một tạp chí có bề dày tồn tại hơn một thế kỷ của Mỹ, in bằng 32 thứ tiếng, đồng thời cũng là một trong vài tạp chí có uy tín trên thế giới về ngành địa lý đã xếp loại vịnh Nha Trang và Mũi Né của Việt Nam thuộc loại tồi nhất (đứng thứ 7 từ dưới lên) trong số 122 bãi biển có thiên nhiên hấp dẫn của thế giới.
Ý kiến chung của các báo là rất đau xót nhưng nên chấp nhận cách đánh giá này để mà khá lên. Tận mắt nhìn thấy những gì xảy ra ở Nha Trang và Mũi Né, tôi đồng ý với các tác giả đó. Nhưng chuyện Nha Trang, Mũi Né các báo đã bàn nhiều và nói chung đã ngã ngũ rồi, xin không nói lại. Điều muốn nói ở đây là hãy nhìn thẳng vào sự thật, ở đây tạm khoanh vào du lịch biển, trước khi chưa quá muộn.
Nước ta có bờ biển dài 3.244km và thuộc diện các nước có bờ biển đẹp của thế giới: Khí hậu quanh năm ấm áp, bãi biển nông, nhiều cảnh đẹp, nhiều hải sản, gần khu dân cư, thuận tiện giao thông, v.v… Từ Bắc vào Nam, đã có rất nhiều bờ biển đẹp Trà Cổ, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Thuận An, Mỹ Khê, Cửa Đại, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên và hàng trăm bãi biển khác không kém thế (có khi còn hơn thế) dù chưa được khai thác. Có người đã mạnh dạn đề xuất, thế mạnh của Việt Nam chính là bãi biển, nơi nghỉ dưỡng của thế giới.
Chúng ta cũng được đánh giá rất cao về tiềm năng biển, trong đó có bãi biển. Việc Vịnh Hạ Long, vịnh Lăng Cô, vịnh Nha Trang được nhắc đến trong danh sách các bãi biển đẹp trên trái đất; vịnh Hạ Long luôn có mặt trong danh sách bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới mấy năm qua là một vài dẫn chứng.
Nhưng chúng ta đã đối xử với biển nói chung và với bãi biển nói riêng như thế nào? Tình trạng rác rưởi trên bãi biển, nước thải chảy ra biển, nhà cửa xây lấn bờ biển, cảnh đẹp biển bị phá hoại, sản vật biển bị hủy diệt, kể cả an ninh trên bãi biển không an toàn… không chỉ diễn ra ở Nha Trang mà ở hầu như mọi bãi biển, bãi biển càng đẹp càng bị xâm hại.
Vịnh Hạ Long trước đây trong xanh, yên tĩnh, sạch sẽ, giờ bẩn thỉu, xộn rộn gần đến mức không thể chịu nổi. Tình trạng chiếm bãi biển thành của riêng, chở đất, chở cây cỏ từ nơi khác đến để làm khu nghỉ dưỡng (resort) không chỉ riêng ở Mũi Né mà có ở tất cả các bãi biển đẹp của thành phố Nha Trang, Vũng Tàu, đảo Phú Quốc... Đi từ Hội An đến Đà Nẵng; từ Vũng Tàu đến Long Đất, bãi biển tuy hoang vu nhưng không còn nơi nào chưa bị chủ đất rào kín. Khi xây dựng xong khu nghỉ dưỡng, mọi người đều không có quyền đến, trừ một số ít người có tiền.
Một đánh giá công bằng, tuy không thiện cảm của tạp chí Địa lý Quốc gia rõ ràng sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, cho cả đời sống người dân bấy lâu nay sống dựa vào các bãi biển. Nhưng không có những đánh giá mang tính cảnh báo như thế, thiệt hại còn lớn hơn bởi chúng ta tiếp tục bị ru ngủ vì biển ta đẹp nhất thế giới, tiếp tục lơ là trước môi sinh, môi trường biển bị phá hoại, xâu xé, đến khi hiểu ra thì đã muộn.
Phạm Vũ