Nói điều này vào lúc này có vẻ hơi sớm với thói thường, bởi cái gì đi qua rồi mới bàn đến chuyện “hậu”. Song, biết mùa sau người ta có còn nhớ về những gì được rút ra từ mùa trước…
Suốt nhiều ngày qua, hàng hóa, quần áo, nhu yếu phẩm, tiền của liên tục được mọi nơi quyên góp nhằm cứu trợ đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” nhanh chóng lan tỏa, và càng vào hoàn cảnh như thế này, càng thấy sự tương thân tương ái của nhân dân ta lớn lao, mạnh mẽ đến nhường nào. Thế nhưng, trong không khí hướng về miền Trung, vẫn còn những câu chuyện buồn từ chính sự “nhiệt tình” của chúng ta tạo nên.
Mấy hôm nay, áo quần cũ, đồ dùng học tập cũ được khắp nơi thu gom mang ra vùng lũ. Đồ cũ của chúng ta là đồ quý với những người đang tay trắng. Nhưng “cũ” không có nghĩa là “nát”, “hết date”. Những người tiếp nhận hàng cứu trợ đã phải rơi vào hoàn cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi cầm trên tay chiếc quần jean thủng đáy, chiếc cặp học trò bị rách. “Chẳng lẽ trả lại, nên cũng đành cầm về, rồi…bỏ”, một cán bộ Hội Chữ thập đỏ cho hay. Nói một cách thẳng thừng, có cảm giác những người này đem đồ cũ nát đi cho để “hưởng ứng phong trào”.
Đáng tiếc, điều này không chỉ diễn ra tại một nơi. Thử hình dung, đồ cũ của cả nước dồn về Quảng Trị, Quảng Bình thì nơi này sẽ biến thành gì…?!
Hoạt động giúp đỡ đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung năm nay của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng có “khắt khe” hơn mọi năm ở chỗ hướng dẫn cá nhân, đơn vị tặng hàng cách phân loại, giặt, là và bỏ quần áo vào từng bao có ghi đồ nam, nữ, độ tuổi mặc. Tuyệt nhiên, sự khắt khe này không hề bị mang tiếng “chảnh” mà ngược lại, nhiều phản hồi cho biết họ rất cảm động khi được chia sẻ đầy trân trọng với đồng bào. Cho mà để bà con buồn thì xót lắm.
Thêm một điều nữa, tổ chức, cá nhân nào cũng rộng lòng góp cho bà con nào mì ăn liền, nào gạo. Biết là khi đói khổ, cái gì cũng cần. Song, lũ lụt miền Trung thì như một điệp khúc muôn thuở. Vậy nên, điều đáng suy nghĩ hơn cả là sự hỗ trợ mang tính bền vững, xây dựng cộng đồng an toàn phù hợp với chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai của Chính phủ. Những cán bộ hoạt động cứu trợ lâu năm cho biết, nên chăng nguồn hỗ trợ cần được quy ra… nhà. Thay vì cho phong bì, chút quà cáp. Với vài chục triệu đồng, người tặng sẽ cùng địa phương khảo sát và chọn ra vài hộ khó khăn nhất để giúp sức xây nhà an toàn tránh bão, lũ. Căn nhà ấy phải đủ độ kiên cố từ móng, mái, tường, có đổ mê làm gác lửng ít nhất 6 mét vuông. Để mùa mưa đến, người dân nghèo vùng thấp trũng không phải leo lên nóc nhà chờ cứu hộ.
Những chuyến hàng cứu trợ vẫn đang tiếp tục hành trình. Trên đài, thông tin cảnh báo lũ, lụt sẽ còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương khác. Mong và hy vọng…
Toàn Vân