Phải thừa nhận, việc công bố 29 nhà cung cấp dịch vụ lữ hành, khách sạn, nhà hàng, mua sắm tham gia “Tháng khuyến mãi kích cầu du lịch năm 2010” (từ ngày 1 đến 30-11) nhằm khắc phục tính thời vụ và thu hút khách du lịch là một nỗ lực của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Sở Công thương thành phố Đà Nẵng. Theo đó, khách du lịch có phiếu khuyến mãi sẽ được giảm từ 5 đến 50% giá các loại dịch vụ, vé, phòng lưu trú, tour; giá các mặt hàng thực phẩm, dệt may, mỹ phẩm... tại các doanh nghiệp du lịch và siêu thị. Có lẽ, phải đợi đến hết tháng này mới biết rõ ràng hiệu quả của chương trình đến đâu. Nhưng ngay từ khi mới được công bố, chương trình đã gặp phải phản ứng từ phía các doanh nghiệp.
Không hợp thời điểm là lý do chính khiến nhiều người tỏ ra không quá mặn mà với chương trình. Bởi thời gian nhàn rỗi của du lịch Đà Nẵng thường rơi vào tháng 9 và tháng 10. Từ đầu tháng 11 trở đi là mùa cao điểm đón khách quốc tế. Song, luồng khách này thường lập kế hoạch du lịch trước sáu tháng hoặc một năm, do đó, chương trình gần như không có tác dụng kích cầu đối với khách quốc tế. Đối với khách nội địa, chương trình cũng chưa phải là “cần câu” để kéo khách đến Đà Nẵng trong mùa mưa bão ở miền Trung, theo kinh nghiệm của các nhà làm lữ hành. Hơn thế nữa, ngày công bố là 30-10 được xem là quá gấp gáp để có thể quảng bá chương trình rộng khắp. Chương trình đến tay các địa phương trên toàn quốc phải thông qua nhiều kênh: Báo chí, địa phương với địa phương, lữ hành với lữ hành... Chỉ e rằng, khi các tỉnh, thành bắt đầu phổ biến cho khách hàng của mình, thời hạn của tháng khuyến mãi sẽ chẳng còn bao lâu nữa.
Như vậy, khi mục đích chính là “kích cầu” khó đạt tới, thì chương trình vẫn còn mang ý nghĩa phát động. Mà một khi đã phát động, các bên liên quan phải bảo đảm việc khuyến mãi kích cầu được thực hiện liên tục trong các năm sau, vào một thời điểm thích hợp và nhất định, với một kế hoạch dài hơi chứ không chỉ là hình thức. Với đối tượng chính là khách du lịch trong và ngoài nước, chương trình cho năm sau cần được xây dựng thật bài bản ngay từ bây giờ, kêu gọi nhiều đơn vị hưởng ứng trong năng lực cho phép, cùng sự cam kết đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp du lịch, thương mại. Tiếp đó, chương trình sẽ hiện hữu trong tất cả các hội chợ, các buổi giới thiệu, quảng bá du lịch của thành phố bên sông Hàn như một hoạt động thường niên hấp dẫn, để du khách luôn nhớ: “Vào tháng đó hằng năm, sẽ có đợt khuyến mãi lớn ở Đà Nẵng”, và truyền miệng cho nhiều người cùng biết. Những hoạt động này chắc chắn không nằm ngoài tầm tay của hai sở trên.
Có chiến lược xuyên suốt, quảng bá mạnh và sớm là những nguyên do khiến Lễ hội pháo hoa trở thành một thương hiệu. Làm được điều đó, nếu không thể sánh ngang tầm với một sự kiện quốc tế được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, thì ít nhất, chương trình kích cầu cũng đọng lại chút gì để nhớ.
PHONG KHÁNH