Những đoạn (phần mục) về văn hóa-xã hội trong ba văn kiện sẽ trình Đại hội XI của Đảng, được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, có thể nói là viết rất hay, rất đầy đủ, không thể hay hơn, đầy đủ hơn.
Nhưng rất tiếc là nó không đề ra một số mục tiêu, việc làm cụ thể, những yêu cầu có tính ràng buộc của một nghị quyết, nên nó có thể góp phần nâng cao nhận thức, song không có tác dụng hướng dẫn hành động.
Nó được ghi nhận như những khuyến nghị nhưng các tổ chức Đảng, các cấp ủy có thể hiểu và làm khác nhau, do đó không tạo nên hiệu quả cao, tạo nên sức mạnh trên phạm vi cả nước của một tổ chức chính trị.
Nên chăng, về văn hóa, xã hội, các văn kiện cần yêu cầu các Đảng bộ tỉnh trực thuộc Trung ương phải có nghị quyết về một số công việc phải làm, có thể có cả cách làm và bước đi càng tốt, để cụ thể hóa những khuyến nghị đó.
Chẳng hạn, có thể có nghị quyết về xây dựng các thiết chế, các công trình văn hóa. Điều này không phải các địa phương, đơn vị không làm, có khi lại làm quá nhiều, quá hoành tráng, không căn cứ vào nhu cầu và khả năng của đời sống văn hóa, đơn vị, địa phương mình. Những công trình này thường mang dấu ấn cá nhân, tư duy nhiệm kỳ, rơi vào thói phô trương, tốn kém. Đương nhiên phải dành cho các công trình này một mặt bằng rộng thỏa đáng, ở vị trí đắc địa và phải chăm lo từ khâu thiết kế đến thi công hoàn thiện, xứng tầm một công trình văn hóa.
Và đáng quan tâm nhất là ai cũng mong muốn có được một công trình để đời nhưng lại không đầu tư để nó hoạt động có hiệu quả bền vững.
Chúng ta đều biết các thiết chế văn hóa có “sống” hay không, có góp phần làm phong phú sôi động, đời sống văn hóa một phần quyết định ở đội ngũ cán bộ điều hành tổ chức hoạt động văn hóa ở các thiết chế ấy. Vì vậy đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là một “hạng mục” quan trọng cần đầu tư thích đáng.
Việc đầu tư (dành kinh phí) thường xuyên để duy trì các hoạt động ở các thiết chế đó, cũng như các cuộc vận động, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa là một việc rất cần thiết. Ở đây cần làm rõ phương châm xã hội hóa các hoạt động văn hóa, không thể có một quy định phân khúc xây dựng thiết chế là công việc Nhà nước đã làm, vận hành hoạt động là phải xã hội hóa. Muốn phát triển nâng cao văn hóa đọc, các thư viện phải có phòng rộng rãi, yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, có đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình, chu đáo, tất nhiên phải có kinh phí cho các bảo đảm trên, nhất là cho việc bổ sung đủ sách báo.
Cũng phải tính đến sự đầu tư cần thiết để tạo ra hình thành một lớp công chúng có năng lực cảm thụ văn hóa (từ đó có năng lực sáng tạo văn hóa).
Thực ra không công bằng khi ta sẵn sàng chi đến 10% GDP cho các gói kích cầu để bảo đảm vượt qua khủng hoảng, nhưng không chi (một phần rất nhỏ của GDP) để kích cầu cho hoạt động văn hóa.
Chúng ta thường băn khoăn, bức xúc về những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa, về tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn đẩy lùi và đề ra mục tiêu “nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân” (chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020) và hơn thế “chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa ở nông thôn, vùng khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các nhóm xã hội, giữa đô thị và nông thôn” (Báo cáo chính trị).
Nhưng muốn giải quyết những băn khoăn, bức xúc đó, muốn đạt được những mục tiêu về hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất thiết phải có đầu tư, có chính sách thỏa đáng, phải thực hiện miễn phí, giảm giá, trợ giá… với các dịch vụ, các sản phẩm văn hóa cần phổ cập, cần khuyến khích, phải đầu tư tiền bạc, công sức để tổ chức các hoạt động văn hóa đến được với các đối tượng, các vùng cần ưu tiên, để các loại hình nghệ thuật hàn lâm, bác học hoặc quá mới lạ dần dần có một lớp công chúng mến mộ, sành điệu.
Trước mắt chúng ta sẽ thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở. Như vậy tất cả mọi người Việt Nam đều có một quá trình 9 năm được tiếp thu một nền giáo dục trong nhà trường. Nếu nhà trường làm tốt mỹ dục, chắc chắn trong một tương lai gần số đông người Việt, hầu hết thế hệ trẻ sẽ có thị hiếu nghệ thuật lành mạnh, có năng lực cảm thụ nghệ thuật, sẽ nảy nở những tài năng nghệ thuật.
Mỹ dục là một bộ phận quan trọng của giáo dục, quốc sách hàng đầu, đầu tư cho mỹ dục dù có tốn kém vẫn là sự đầu tư cần thiết, và đó chính là đầu tư cho văn hóa.
Có gieo trồng thì mới có gặt hái. Tất nhiên hạt giống phải tốt, đạt chuẩn, đất phải được làm kỹ, có đủ và dùng đúng phân bón, thuốc trừ sâu. Nhất thiết sự đầu tư cho văn hóa phải là sự đầu tư thông minh, chứ không thể là thói chơi ngông của những trọc phú.
Tôi cạn nghĩ rằng, những điều viết quá hay, quá đầy đủ về văn hóa xã hội càng ngày càng thể hiện sự cách xa giữa nói và làm.
Để nói đi đôi với làm, có lẽ nên bắt đầu bằng giao cho các cấp ủy Đảng quyết định một số đầu việc cụ thể với cách làm, bước đi cụ thể, với sự đầu tư cụ thể.
Có gì bảo đảm cho hiệu quả của sự đầu tư ấy?
Về kinh tế có hệ số ICOR, chúng ta cần có nghiên cứu nghiêm túc về hệ số ICOR trong lĩnh vực văn hóa xã hội.
Không thể nói, chúng ta không có nguồn lực (tiền bạc) để đầu tư cho văn hóa. Sự lãng phí khủng khiếp của những lễ hội (có từ ngân sách và xã hội) nhiều khi vô bổ, tràn ngập sự phô trương hình thức là điều ai cũng nhận thấy. Và chúng ta cũng không chấp nhận kiểu đầu tư “mỳ ăn liền” trong xây dựng văn hóa.
Có một điều chắc chắn là làm thật tốt việc giáo dục văn hóa (mỹ dục) trong nhà trường, tổ chức hình thành tốt đời sống văn hóa trong xã hội, chúng ta sẽ đào tạo nên những con người có văn hóa.
Chỉ với những con người như thế, chúng ta mới yên lòng khi nghĩ về một xã hội không chỉ giàu mạnh mà còn dân chủ, công bằng, văn minh, một xã hội mỗi người đều sống hạnh phúc, được yêu thương tôn trọng, con người đích thực là trung tâm của chiến lược phát triển.
NGUYỄN ĐÌNH AN