Hôm 3-11, trên Báo Đà Nẵng, tác giả Phong Khánh có bài “bàn luận” khá sắc về chuyện ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Công thương phát động chương trình khuyến mãi để kích cầu vào du lịch tại TP. Đà Nẵng từ 1-11 năm nay.
Bài báo cho người đọc thấy những nghịch lý: Hạ giá dịch vụ để “kích cầu” trong thời gian cao điểm đón khách du lịch; Ngày công bố kế hoạch và ngày thực hiện sát rạt nhau (30-10 và 1-11); đối với khách quốc tế thường lên kế hoạch đi du lịch rất sớm nên khó có tác dụng... Những nghịch lý này vốn tồn tại khá lâu trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực lữ hành, du lịch nói chung ở đất nước ta mà ai cũng nhận thấy.
Tác giả Bridget O’Flaherty vừa viết trên tạp chí The Diplomat số ngày 9-10 về những hạn chế của du lịch Việt Nam như sau: Trong lúc Thái Lan kiêu hãnh với con số 50% du khách quay lại đất nước họ lần thứ 2, thì Việt Nam chỉ đạt được 5 đến 10%, mặc dù, thành công của du lịch Thái thường được coi là mốc chuẩn để Việt Nam cạnh tranh. Điều đáng ngại là, Việt Nam khó mà làm được như người Thái, mặc cho họ vẫn cùng rao bán một điểm đến “Đông Nam Á ổn định” và đặc biệt sau tình hình mất ổn định ở Thái Lan vài năm gần đây khiến nhiều du khách mắc kẹt nhiều ngày ở nước này.
Việt Nam thua thiệt do một nền công nghiệp dịch vụ ít kinh nghiệm ngay cả khi các rào cản về visa được dỡ bỏ. Nhiều chương trình du lịch của Việt Nam mang dạng “hidden plan” (Kế hoạch thầm kín) khiến các công ty lữ hành không kịp trở tay khi có được một ít thông tin. Ngoài ra, “Chúng tôi không thấy chút gì về các chương trình huấn luyện cho cánh tài xế taxi và người lái xích lô vốn hay làm phiền du khách. Việt Nam không có con số lớn du khách quay lại lần thứ 2, thứ 3 bởi nhiều người đến đây và đã ra đi trong sự thất vọng (leave in frustration)”, một nhà kinh doanh lữ hành nước ngoài nói với Bridget O’Flahert.
Dẫn lại một phần bài báo trên để thấy rằng: Quản lý Nhà nước trên lĩnh vực du lịch trước hết cần sớm khắc phục những “kế hoạch thầm kín” theo kiểu chỉ ban hành trước khi nó có hiệu lực 1 ngày như chương trình “hạ giá kích cầu” trên đây. Lễ hội thi pháo hoa quốc tế hằng năm của Đà Nẵng nay đã có thương hiệu, nhưng tìm trên Google chỉ thấy trang thông tin điện tử thành phố nói về lễ hội năm... 2009 dành cho du khách. Chương trình năm 2011 chỉ thấy có tin của Báo Đà Nẵng điện tử trên Facebook. Thậm chí vào website của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng tại địa chỉ http://www.danang.gov.vn/TabID/65/CID/886/ItemID//default.aspx cũng chỉ thấy lễ hội pháo hoa 2010. Tuyệt nhiên không có một thông tin nào về lễ hội 2011! Do vậy, luồng du khách quốc tế đến với lễ hội sẽ rất hạn chế vì thiếu thông tin đầy đủ và sớm sủa...
Thứ đến, tuy biết rằng trong nhiều năm qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã tổ chức nhiều lớp dạy và huấn luyện nhân viên lễ tân, buồng phòng, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch... nhưng như bài báo của O’Flahert, việc quấy nhiễu, gây phiền hà cho du khách thuộc các thành phần khá rộng trong xã hội. Ngoài các khóa huấn luyện, cần thiết có những chương trình quảng bá về thái độ hiếu khách, sự nhã nhặn, lịch sự với du khách trong nhiều tầng lớp dân chúng. Điều mà chỉ cần đến Thái Lan một lần, ta rất dễ nhận ra.
Tóm lại, quản lý Nhà nước về du lịch là tạo ra một môi trường cho công nghiệp du lịch phát triển (tại chỗ và các mối liên kết) và một nhận thức chung trong cộng đồng về ích lợi của nền công nghiệp này để tìm sự đồng thuận. Quản lý theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, theo các “kế hoạch thầm kín” thiếu chủ động và minh bạch như những dẫn chứng trên đây sẽ làm cho du lịch khó phát triển. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần những con người tâm huyết và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG