Ngày 22-10-2010, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã ký Quyết định số 8141/QĐ-UBND về quy định quản lý kiến trúc, xây dựng đối với các công trình xây dựng ven đường Nguyễn Văn Linh nối dài (đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Bạch Đằng).
Theo Quyết định trên, các nguyên tắc thiết kế, kiến trúc, xây dựng được quy định một cách cụ thể, chi tiết. Nếu áp dụng một cách triệt để sẽ đem đến một cuộc “cách mạng” trong kiến trúc đô thị; trong việc đặt cơ sở cho ý thức tuân thủ luật pháp của người dân cũng như tạo lập văn hóa đô thị để cho thành phố Đà Nẵng có được những nét riêng, hiện đại nhưng vẫn giữ được tính hài hòa, bền vững.
Tuy nhiên, cũng cần phải có một sự thảo luận rộng rãi để đi đến thống nhất, sự quyết tâm trong việc thực tế hóa chủ trương đúng đắn của UBND thành phố.
Trước hết, một căn bệnh phổ biến của nước ta hiện nay là việc quản lý quy hoạch xây dựng còn có nhiều tắc trách, sai phạm. Cái chính là do thiếu quyết tâm và thiếu sự giám sát chặt chẽ. Tình trạng đó gây nên rất nhiều hậu quả, lãng phí về tiền bạc, công sức rất lớn (mỗi năm các công trình sai phạm phải dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ làm đổ sông, đổ bể không dưới hàng ngàn tỷ đồng). Đứng về mặt ý nghĩa xã hội thì dù là tài sản của ai đi nữa cũng là điều khó chấp nhận.
Điều tiếp theo cần phải đặc biệt nhấn mạnh đó là tâm lý hơn thua của người Việt Nam, cách nghĩ thiển cận và thiếu trách nhiệm với cộng đồng đã gây ra sự lộn xộn không đáng có. Chẳng hạn, mỗi công trình chỉ cần nhô ra hay nhô lên một vài xăng-ti-mét thì hàng ngàn công trình sẽ đưa đến sai phạm hàng mét (!). Nếu những sự cố tình “chỉ có vài phân thôi mà” được bỏ qua thì vô hình trung quy định sẽ mất giá trị hiệu lực và quy hoạch bị tự động phá vỡ. Tâm lý thích cao hơn láng giềng một chút hoặc làm thêm một tầng, nửa tầng “cho mắt nhà hàng xóm ở” là điều không thể xem nhẹ vì tính phổ biến nhiều hệ lụy của nó.
Việc xây dựng các công trình trên những con đường mới luôn phải tính đến ý nghĩa tổng thể bền vững. Tuy đang bàn đến việc quy định kiến trúc xây dựng cho riêng đường Nguyễn Văn Linh nối dài nhưng vài năm nữa phải có những quy định mới, với những con đường khác. Ví dụ, trong tương lai rất cần có những đường phố, những khu dân cư được sắp xếp theo các mô hình như kiến trúc theo kiểu Nhật, kiểu Pháp hay kiểu Mỹ. Xin có một đề nghị rất riêng: Đà Nẵng là thành phố có những lợi thế, đặc thù (biển, rừng, nơi tiếp xúc đầu tiên với 3 nền văn hóa tiêu biểu ở 3 châu lục…), nên hoàn toàn có thể coi đó như là một gợi ý để khuyến khích tính đa dạng nhưng hài hòa của các thiết kế quy hoạch (cần có chế độ ưu đãi cho những loại hình kiến trúc đặc biệt ở những nơi đặc biệt).
Đến với các thành phố trên đất nước ta, bất kỳ đâu cũng thấy có những bất cập như nhà siêu mỏng ở Hà Nội, nhà có nền nhà mới xây bị thấp hơn cốt nền đường phố, nhà cao tầng chắn hết các công trình kiến trúc cổ… Tình trạng đó khá phổ biến và đã tạo nên sự thiếu thẩm mỹ, lộn xộn không đáng có. Một thành phố đẹp là không chỉ đẹp hôm nay mà phải đủ sức đẹp đến nhiều năm sau. Rất hy vọng và tin tưởng rằng, tính đột phá, khoa học và cẩn trọng của Đà Nẵng sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo nên vẻ đẹp bền lâu cho muôn đời sau...
TÔ VĨNH HÀ