Phần trả lời, giải trình của các Bộ trưởng trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII dường như không làm người hỏi cũng như người nghe hài lòng. Việc né tránh trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương, việc “cải chính” của Bộ trưởng Bộ Y tế, sự chậm rãi của Bộ trưởng Bộ Tài chính khiến cử tri có thể đặt câu hỏi rằng, phải chăng quyền hạn và trách nhiệm không thật sự gắn kết chặt chẽ nên những tồn tại cứ thế lặp lại từ năm này sang năm khác.
Cứ mỗi dịp các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, cử tri cả nước lại mong đợi tiếng nói, nguyện vọng của mình về những vấn đề dân sinh cấp thiết phản ánh tại nghị trường được giải đáp trọn vẹn và rút kinh nghiệm, khắc phục để lần chất vấn sau không phải “truy” lại nữa. Nhưng vấn đề quá tải ở bệnh viện đâu phải lần đầu được đặt ra. Thế mà Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, lời hứa giảm tải là “truyền miệng tầm phào”; đồng thời, “Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế chưa bao giờ nói rằng chấm dứt nằm ghép trong 2, 3 hay 4 năm”. Xử lý nghiêm thủy điện xả lũ sai quy trình là điều cần thiết bởi những thiệt hại nặng nề nhãn tiền đối với miền Trung, nhất là trong năm 2009 và năm nay.
Song, Bộ trưởng Bộ Công thương lại trả lời: Thủy điện không liên quan gì đến lũ lụt của miền Trung trong thời gian qua. Còn trước vấn đề trách nhiệm liên quan đến sự cố Vinashin và việc xử lý khoản nợ lên đến 86.000 tỷ đồng, người đứng đầu ngành Tài chính lại vòng vo đến mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phải hơn một lần nhắc nhở, đồng thời một đại biểu cũng không nén nổi sự sốt ruột và cho rằng: “Tôi chưa thấy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề Vinashin”.
“Bộ trưởng chỉ trả lời chung chung. Tôi ngạc nhiên vì Bộ trưởng đã không viện dẫn số liệu thống kê để chứng minh. Ngay cả khi vô can, nếu mong muốn của nhân dân là được hỗ trợ trước tổn thất nặng nề do lũ lụt thì ý kiến Bộ trưởng thế nào?”. Chất vấn này của một đại biểu Quốc hội nêu ra rất xác đáng và thẳng thắn nhưng cũng được Bộ trưởng nói theo kiểu không khẳng định, cũng không phủ nhận tác hại của thủy điện xả lũ. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại chỉ thẳng 3 nguyên nhân chủ quan dẫn đến lũ dữ: Mất rừng và phá rừng, quy trình vận hành thủy điện có vấn đề, quy hoạch thủy điện trên cả nước.
Biết bao vấn đề nóng đặt ra và đang chờ đợi “những tư lệnh” có giải pháp hữu hiệu như tình trạng thiếu điện; điều hành xuất nhập khẩu, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu; giảm tải ở bệnh viện; quản lý viện phí và giá thuốc; ùn tắc giao thông; công tác quản lý Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty lớn; dự án khai thác bauxite… Bao giờ người bệnh được hưởng thụ việc chăm sóc y tế và không phải ngán cảnh vào bệnh viện? Bao giờ thật sự giảm thiểu tình trạng kê đơn nhận hoa hồng? Bao giờ mới khắc phục được việc phát hiện sai lầm thì chuyện đã rồi trong khâu quản lý, điều hành của Nhà nước? Biết bao câu hỏi chuyển tải nguyện vọng của người dân nhưng phần trả lời vẫn đang là dấu chấm lửng.
Mong muốn của cử tri là các vấn đề đều phải bảo đảm tính minh bạch, tính đúng đắn, giải quyết dứt điểm dựa trên lợi ích của nhân dân, cũng như sự tận tâm, tận lực của các Bộ trưởng. Xét cho cùng, chất vấn không phải để “vạch lá tìm sâu” mà để xem xét, lý giải, tìm sự đồng thuận, hướng tới những giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn. Nếu biến chất vấn thành diễn đàn để đối phó, để né trách nhiệm và rốt cuộc tồn tại đâu vẫn vào đó thì những người đứng đầu các Bộ đã phụ lòng nhân dân. Và nếu như thế, quyền lực được xem là hữu hạn, còn trách nhiệm là vô hạn. Trong khi thực tế, quyền hạn phải gắn với trách nhiệm, được thực thi trên cơ sở giám sát chặt chẽ, minh bạch, bảo đảm lợi ích hài hòa thì mới thúc đẩy xã hội phát triển.
TÚ PHƯƠNG