Ngày 5-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam lần đầu tiên sau gần 12 tháng đã bất ngờ tăng lãi suất cơ bản (LSCB) bằng đồng Việt Nam thêm 1%, đưa LSCB lên mốc 9%/năm. Đây có thể là quyết định bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư song lại là điều không quá bất ngờ đối với giới ngân hàng khi biểu đồ lãi suất liên ngân hàng trong những ngày qua đã liên tục tăng mạnh, vốn là những biểu hiện đầu tiên về khả năng NHNN sẽ tăng LSCB.
Các nhà phân tích cho rằng đây là biện pháp bắt buộc để duy trì sự cân bằng trong nền kinh tế, mặc dù biết rằng tăng lãi suất có thể làm tăng dòng vốn đổ vào thị trường trong nước, đồng thời ngược lại cũng sẽ gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ… Đặc biệt, khi đồng tiền chịu sức ép lên giá, Ngân hàng Nhà nước thường phải thực hiện biện pháp hạ lãi suất để hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng.
Vì vậy, với việc tăng LSCB của đồng Việt Nam lần này ở NHNH cho thấy 2 vấn đề, đó là: Thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và trả lãi suất về đúng diễn biến cung cầu của thị trường, góp phần hạ nhiệt tỷ giá. Điều này đã được ông Jeffrey E. Carleton, Giám đốc Tài chính và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng Citibank tại Việt Nam khẳng định: Trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam có thể sẽ thoát khỏi tình trạng thâm hụt thương mại. Về lâu dài, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Tỷ giá USD so với đồng nội tệ sẽ tăng nhưng dần dần, với các lợi thế lớn của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư và có thể nhờ đó, đồng nội tệ sẽ mạnh hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh LSCB, NHNN cũng đã điều chỉnh thêm một số lãi suất khác như: Lãi suất tái cấp vốn của NHNN đối với các tổ chức tín dụng cũng được tăng thêm 1% lên 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu của NHNN đối với các tổ chức tín dụng cũng tăng thêm 1% lên 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng tăng thêm 1% lên 9%/năm.
Mặc dù LSCB không còn nhiều ý nghĩa trong việc điều chỉnh lãi suất trên thị trường, do cơ chế thỏa thuận đã được áp dụng; nhưng đây vẫn là tín hiệu cần thiết cho thị trường, nhất là việc tăng các loại lãi suất còn lại sẽ có ảnh hưởng tới lãi suất của các ngân hàng trong thời gian tới. Trước đó, trong cuộc họp ngày 3-11, Chính phủ có chủ trương không yêu cầu giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại huy động và cho vay theo thị trường. Chính phủ cũng yêu cầu NHNN phải sử dụng công cụ thị trường mở và lãi suất của thị trường mở là lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc… để tác động đến mặt bằng lãi suất.
Và với thông điệp này, dự kiến thị trường sẽ có chuyển động tốt hơn trong thời gian tới. Thắt chặt cung tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở thực chất đã là bước đi đầu tiên của quá trình thắt chặt tiền tệ. Các nhà kinh tế cho rằng NHNN sẽ duy trì LSCB ở mức 9% ít nhất là đến hết tháng 2-2011 (sau dịp Tết Nguyên đán) cho đến khi lạm phát bắt đầu thực sự giảm.
Về tổng thể, quyết định tăng LSCB lên 9% của NHNN sẽ có tác động tích cực đối với lạm phát và tỷ giá trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại sau khi quyết định LSCB được thi hành, chắc chắn mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh tăng theo. Kéo theo đó là những thay đổi về lãi suất cho vay, lãi suất huy động… Đồng thời “trần” lãi suất đồng thuận hiện đang áp dụng có thể sẽ được gỡ bỏ.
Việc tăng LSCB lên 9% chứng tỏ NHNN sẽ không chấp nhận thả nổi lãi suất VND. Vì lãi suất cơ bản sẽ làm tham chiếu để NHNN can thiệp vào lãi suất tái chiết khấu, cũng như lãi suất tái cấp vốn. Làm như vậy, rõ ràng NHNN đã chủ ý can thiệp không để lượng tiền cung ra thị trường nhiều. Mặt khác, bằng cách tăng LSCB, NHNN đã gửi thông điệp rằng “chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được áp dụng trong thời gian tới”. Điều này sẽ giúp giảm kỳ vọng lạm phát trên thị trường và cũng sẽ có tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát thực tế, đặc biệt trong mùa vụ cao điểm cuối năm. Tăng lãi suất VND cũng sẽ khiến cho chênh lệch lãi suất đồng nội tệ và USD tăng lên. Điều này sẽ làm giảm động cơ tích trữ USD trên thị trường. Nhu cầu USD giảm làm hạ nhiệt những căng thẳng tỷ giá trên thị trường.
Qua quyết định này có thể thấy chủ trương của NHNN và Chính phủ là ưu tiên cho việc bình ổn nền kinh tế, mà trong đó lạm phát và tỷ giá, hai vấn đề cơ bản có thể gây bất ổn.
PHƯƠNG UYÊN