Hằng năm, đến ngày 20-11 là dịp các nhà giáo cảm nhận sâu sắc về những tình cảm của các thế hệ học trò dành cho mình, là dịp mỗi người nhìn lại mối quan hệ thầy - trò bấy lâu nay.
Thời nào cũng vậy, lao động của người thầy, lao động sư phạm là loại hình lao động đặc biệt. Đối tượng lao động của người giáo viên là con người, là thế hệ trẻ đang lớn lên cùng với nhân cách của chúng. Ngày trước, người thầy đã rất được coi trọng, giữa thầy - trò luôn có khoảng cách tạo ra do nghi lễ. Giờ đây, ngoài giờ lên lớp, thầy và trò có thể trò chuyện với nhau như những “người bạn”. Trên lớp, không chỉ thầy giảng mà trò cũng được phát biểu ý kiến của mình.
Phương pháp dạy học hiện đại khuyến khích quan hệ tương tác giữa thầy và trò khiến quan hệ thầy - trò bình đẳng, thoải mái hơn nhưng trò vẫn phải giữ nghiêm lễ nghĩa với thầy, thầy là chuẩn mực về đạo đức, làm gương để trò noi theo. Thầy, cô giáo không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò. Có người cho rằng công cụ của người giáo viên chỉ là kiến thức. Theo tôi, đó mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi trong xã hội ngày nay, con người phải phát triển toàn diện chứ không chỉ có kiến thức đơn thuần. Như vậy, công cụ chủ yếu của lao động sư phạm là người thầy với toàn bộ nhân cách của mình. Nhân cách này càng chuẩn mực, thì sản phẩm tạo ra (học trò) càng hoàn thiện. Nhân cách đó bao gồm tâm hồn, tư tưởng, đạo đức, cách sống cũng như sinh hoạt của người thầy. Hiệu quả lao động của người thầy sống mãi trong nhân cách của người được học, nên lao động sư phạm vừa mang tính tập thể sâu, vừa mang dấu ấn cá nhân đậm.
Vì vậy nó đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao và sự am hiểu nghề nghiệp nhất định. Học trò nhìn thầy, cô giáo như một tấm gương về đức - trí - thể - mỹ. Nhân cách của người thầy in dấu ấn vào tâm hồn học trò nhiều nhất, lâu nhất, thậm chí đến suốt cả cuộc đời. Đó cũng là cái gốc để mối quan hệ thầy - trò vô tư, không vụ lợi, không vì nhu cầu vật chất, danh vọng tầm thường nào. Thiết nghĩ, mối quan hệ thầy - trò lý tưởng cũng tựa như một bài giảng hay, trí tuệ trong cuộc sống. Bất cứ quan hệ nào cũng cần sự chăm chút, vun đắp. Quan hệ thầy - trò cũng không ngoại lệ. Học trò phải ứng xử làm sao để thầy cô cảm nhận được dù thân thiết, gần gũi đến mấy cũng có sự kính trọng.
Quan trọng hơn, thái độ học tập là thước đo cao nhất sự quan tâm của người học với người dạy. Những cử chỉ như lời chào thầy cô, chú ý nghe giảng, tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng bài… cũng khiến người thầy hạnh phúc, hứng thú giảng dạy và thầy cô cảm thấy yêu nghề, yêu trò hơn. Về phía người thầy hãy lắng nghe ý kiến học trò nhiều hơn, tạo điều kiện để các em nói lên suy nghĩ của mình qua các bài giảng. Thầy, cô có thể trở thành những “người bạn lớn” của học trò, để mối quan hệ thầy - trò không dừng lại ở trong nhà trường mà mở rộng cả trong cuộc sống.
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đối với đội ngũ những người làm nghề dạy học. Người cho rằng: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được. Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Theo quan điểm của Bác: Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc”. Nghĩa là khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình; đồng thời phải luôn luôn ra sức thi đua trong công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi.
Như lời tâm sự của một nhà giáo tâm huyết nhiều năm gắn bó trong ngành giáo dục: “Nghề nào cũng có những cái vất vả, nhưng nghề dạy học thì vất vả hơn rất nhiều, muốn vượt qua vất vả ấy, người giáo viên không chỉ cần phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, mà quan trọng hơn cả phải có tình thương và tâm huyết với nghề. Thành công lớn nhất của người giáo viên là sự kính trọng của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Để đạt được điều này người giáo viên phải không ngừng phấn đấu trong suốt cả cuộc đời”.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin khẳng định lại vị trí không gì có thể thay thế của người thầy, những người “đưa đò” thầm lặng để các thế hệ học trò đến được bến bờ của tri thức.
Quốc Tín