UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định sẽ không tuyển làm công chức Nhà nước những người có bằng đại học hệ vừa học vừa làm mà trong xã hội thường gọi là đại học tại chức. Gần như ngay lập tức, nhiều cơ quan báo chí, nhiều trường đại học đã phản hồi với đa số phản bác, không đồng tình với quyết định trên. Sự thật của vấn đề tại chức là gì; và, làm thế nào để giải quyết thỏa đáng sự “mâu thuẫn” về tâm lý chung đang diễn ra xung quanh chúng ta hằng ngày, hằng giờ?
Trước hết, phải khẳng định rằng hệ đào tạo tại chức là một “phát minh” đầy tính nhân văn của loài người. Có hàng triệu người không có điều kiện học liên tục nên họ phải bỏ học dở dang, lo kiếm sống rồi học tiếp. Lịch sử cũng chứng kiến rất nhiều người có bằng tại chức hoặc thậm chí không có bằng đại học, vẫn giỏi giang. Chẳng hạn, Bill Gates chỉ có trình độ văn hóa là “sinh viên năm thứ ba”. Đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính của Na Uy hiện nay, bà Sigbjorn chỉ có bằng trung cấp tài chính - kế toán. Hoặc cựu Tổng thống Mỹ G. Bush, có bằng chính quy về sử học nhưng bằng quản trị kinh doanh là bằng tại chức...
Những ngoại lệ về tài năng không phải là ít. Thế nhưng, câu trả lời cho câu hỏi vì sao xã hội (cụ thể bây giờ là UBND thành phố Đà Nẵng) lại không mặn mà với bằng cấp hệ tại chức, không hề là điều dễ dàng.
Thứ nhất, nếu học để mở mang kiến thức thực sự, đào tạo có chất lượng thật sự thì tại chức đã không bị hàm “oan”. Trên thực tế, phải thừa nhận rằng ít nhất, 90% đào tạo tại chức thời nay (đã và đang) là không bảo đảm chất lượng. Trong các trường đại học có một câu “thành ngữ” phổ biến là: “một bên cần tiền (thầy), một bên cần bằng (trò); cả hai nắm tay nhau đi… phá hoại xã hội”(!) Dù muốn hay không, chúng ta phải chấp nhận thực tế đương nhiên đó. Nền giáo dục nước ta hàng chục năm nay cứ loay hoay giải quyết chuyện đầu ra, đầu vào vì có đến hơn 70% trường đại học, trung cấp, cao đẳng sống được là nhờ vào nguồn thu từ hệ tại chức. Đó là điều mà nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thừa nhận.
Vì thế, không ngạc nhiên khi chất lượng cứ mặc nhiên, “tự động” giảm sút, trong khi tiền thu vào của mỗi cơ sở đào tạo ngày một nhiều hơn. Nói cho rõ là nếu nâng cao chất lượng thì không có người học (khó quá, ít người theo nổi); muốn tăng thêm thu nhập thì phải du di, phải xuê xoa - theo ngôn ngữ của giới giảng viên là nếu thi không cho sinh viên tại chức quay tài liệu thì làm sao có thể làm được bài? Đã có lần, trong bài thi tôi chấm, 26 người viết là sông Nil ở Ấn Độ(!), trong khi con sông đó ở Ai Cập. Lý do dễ biết: Một người soạn bài, cả lớp chép theo! Thứ hai, một số ý kiến cho rằng cứ thi tuyển, không phân biệt tại chức hay chính quy là tốt nhất? Có thực như vậy không, khi chúng ta biết rằng một trong những truyền thuyết “hay” nhất của nước ta là câu chuyện kén làm phò mã giữa hai “thí sinh” Sơn Tinh và Thủy Tinh! Chưa thi đã biết Sơn Tinh sẽ đỗ vì dù có giỏi đến đâu thì Thủy Tinh không thể kiếm ra voi chín ngà… dưới nước(!)
Thời buổi hiện nay chẳng khác gì câu chuyện đó: Nhiều người là “con ông cháu cha” ham chơi, ít học, kiếm bằng tại chức xong rồi cứ áp dụng công thức “mạnh vì gạo, bạo vì quyền” cứ thế phát huy ưu thế vượt trội để có chỗ đứng ngon lành, mặc kệ những cử nhân chính quy học giỏi cứ cầu bơ, cầu bất. Thứ ba, bất kỳ ý tưởng nào mới, ngay lúc đầu cũng bị dị ứng với “truyền thống”.
Tại sao không ghi nhận rằng việc Đà Nẵng đột phá chuyện bằng cấp và thực chất là điều sớm muộn cần phải làm - tương tự như nói một cách nhanh, rõ là cuộc chiến với Sơn Tinh cần phải được kết thúc theo đúng nguyên tắc của cuộc đời. Và, Đà Nẵng đã “hy sinh” rất nhiều cho quyết định dũng cảm đó? Người viết bài này đã tham gia giảng dạy hàng chục khóa tại chức ở Đà Nẵng nên biết chắc rằng hàng ngàn cán bộ đương chức, đương quyền ở Đà Nẵng hiện nay có bằng đại học tại chức. Không ít người trong số đó học để lấy văn bằng thứ hai. Đó là câu trả lời đích thực về mục đích đúng của sự học.
Quyết định của thành phố Đà Nẵng, tất nhiên, sẽ chạm vào nỗi đau của nhiều người - trên cả nước chứ không riêng gì Đà Nẵng. Nếu đặt vấn đề ở dạng tích cực thì “đáp án” sẽ như sau: Những cán bộ đương quyền có bằng tại chức phải nỗ lực hơn, học hỏi nhiều hơn và mọi con đường tiến thân theo kiểu đầu đi, đuôi lọt của con cha cháu ông đã bị cắt đứt từ gốc rễ, chúng ta sẽ thấy vấn đề nhẹ nhõm hơn nhiều…
Dĩ nhiên, luật pháp nào hay quy định nào cũng có ngoại lệ cho những tài năng chưa có bằng cấp tương xứng với khả năng của họ. Chỉ cần một chú thích rằng “những trường hợp đặc biệt, đích thân Chủ tịch UBND sẽ có quyết định cụ thể” thì vấn đề sẽ khác. Tại chức hay chính quy, TS thật hay TS dởm - bao giờ cũng là chuyện của con người cụ thể, năng lực thực sự.
Quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng sẽ động chạm trực tiếp đến nồi cơm của mọi nhà… trường. Nhưng, cũng cần phải như thế. F. Engels có nói một câu rất hay rằng thà đi tìm sự thật suốt đêm còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời. Tại sao lại không mạnh dạn thay đổi để mỗi công chức, cán bộ các cấp của chính quyền ngày càng có kiến thức vững vàng hơn, có sự công bằng hơn? Những “giấc mơ” của con cha cháu ông trên con đường tiến thân dễ dàng, phải được chấm dứt. Hàng ngàn sinh viên con nhà nghèo học giỏi sẽ có được nụ cười cảm phục sự chân thành, ngay thẳng. Còn, gánh nặng của quá khứ - những người đang có trong lý lịch bằng đại học tại chức, chắc chắn họ phải nỗ lực nhiều, nhiều nữa. Sự tốt đẹp đang đến; cho dù, trong những thoáng qua của cảm xúc ban đầu, chúng ta không hài lòng về nó.
Trong cuộc họp tổng kết công tác tuyên giáo năm 2010 (sáng 7-12-2010), đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định rằng Đà Nẵng không phân biệt bằng cấp nào tốt hơn bằng cấp nào, nhưng thực tế cho thấy, về mặt xác suất, số lượng người giỏi trong hệ chính quy nhiều hơn hệ tại chức. Đà Nẵng chọn cái tốt nhất trong những điều hợp lý nhất của xã hội. Thiết tưởng rằng đó là cách quy giải tính logic hợp lý và cần thiết.
Đã là điều đúng, có ích cho cộng đồng, đất nước, tại sao không?
Hà Văn Thịnh