.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

UBND thành phố vừa sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 25-10-2008 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2009-2015. Theo đó, sau 2 năm thực hiện, kinh tế nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã xây dựng theo hướng CNH-HĐH. Tiến bộ KHKT, công nghệ sinh học được ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đời sống vật chất, tinh thần cư dân nông thôn cải thiện đáng kể.

Trong vòng 2 năm, đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn là 264 tỷ đồng, trong đó giao thông 127,5 tỷ đồng, giáo dục-đào tạo 32,5 tỷ đồng, y tế, văn hóa, xã hội 4,7 tỷ đồng, hệ thống điện, nước 11,3 tỷ đồng…

Tuy vậy, so với nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Chương trình hành động của Thành ủy, mức đầu tư đó vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 2,45% tổng vốn xây dựng cơ bản của thành phố. Các khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn mà chưa chú trọng đến phát triển sản xuất và cho nông nghiệp. Đúng ra, đất canh tác ít, nông nghiệp Đà Nẵng năng suất, chất lượng cây trồng cao hơn các địa phương trong khu vực. Đằng này, không chỉ năng suất thấp mà hiện tại về chất lượng chưa có loại nông sản nào tạo dấu ấn trên thị trường. Năm 2010, lương thực đạt 47.375 tấn/50.000 tấn, bằng 94,75% kế hoạch, khai thác hải sản 37.910 tấn/48.600 tấn, bằng 78% chỉ tiêu.

Hơn 10 năm chưa thay đổi giống lúa NX30, Xi23, trong khi 2 loại lúa này có dấu hiệu thoái hóa và chất lượng không nổi trội hơn các loại lúa khác. Diện tích và sản lượng rau xanh giảm đáng kể so các năm trước. Năm 2010 chỉ đạt 8.014 tấn, quá ít so nhu cầu tiêu thụ của thành phố gần 1 triệu người. Sản lượng thịt, trứng càng khiêm tốn hơn. Cũng từ đó không chỉ đời sống người dân khu vực nông thôn kém xa so khu vực đô thị mà thành phố Đà Nẵng là thị trường tiềm năng cho nông sản các địa phương khác.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đầu tư cho lĩnh vực này chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của nền nông nghiệp tiên tiến. Mỗi năm, công tác khuyến nông chỉ được phân bổ số kinh phí vỏn vẹn 600 triệu đồng. Thử hỏi, với số kinh phí đó, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm triển khai được bao nhiêu chương trình chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân? Bao nhiêu người dân được hưởng lợi từ nguồn đầu tư này? Một thực trạng cản trở sự phát triển của nông nghiệp, đó là chưa quy hoạch vùng sản xuất có tính ổn định lâu dài. Thực ra, việc quy hoạch đã triển khai, song liên tục thay đổi, gây tâm lý bất an trong nông dân, không ai muốn đầu tư cho sản xuất.  

Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 12,24 triệu đồng. Với tỷ giá đồng USD hiện nay, mức thu nhập đó chỉ khoảng 600 USD, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thành phố và cả nước. Nhà tạm giảm, song ở nông thôn nhà kiên cố đủ khả năng chống bão không nhiều. Tuy số hộ nghèo chỉ còn 3.636 hộ, chiếm 13,75%, song hộ cận nghèo rất lớn. Đến nay vẫn còn  nhiều hộ nông dân không có đất canh tác. Trong khi nông thôn là khu vực liên tiếp đối mặt với thiên tai và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, năm nào cũng thiệt hại không nhỏ.

Xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp đô thị, năng suất cao và bền vững, cải thiện đời sống cư dân nông thôn, không có giải pháp nào tốt hơn đó là đầu tư có chiều sâu cho nông nghiệp, nông thôn. Đã có lúc lãnh đạo ngành nông nghiệp kiến nghị: Nghị quyết đề ra, dành 5% tổng thu ngân sách hằng năm của thành phố cho nông nghiệp. Thế nhưng chưa bao giờ ngành này nhận được số kinh phí đầu tư tương ứng với tỷ lệ này. Với thực trạng nêu trên, thành phố cần quy hoạch ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp có tính bền vững, đồng thời đầu tư hợp lý cho sản xuất. Bởi chỉ có sản xuất tạo ra nhiều nông sản có giá trị mới giúp nông dân nhanh chóng cải thiện đời sống và góp phần đẩy nhanh sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.