Chủ trương của thành phố Đà Nẵng không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan Nhà nước tiếp tục trở thành vấn đề bàn luận đa chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Không ít ý kiến đánh giá hệ tại chức đã và đang bị biến tướng, nhưng lại khẳng định cách làm của Đà Nẵng là chưa thấu lý, đạt tình. Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng: “Mục đích ban đầu của hệ tại chức là nâng cao, bổ sung kiến thức cho những người đã có thâm niên làm việc cũng bị biến tướng, “tại chức” hiện nay chủ yếu phục vụ cho những đối tượng chạy theo bằng cấp, bằng mọi cách để có tấm bằng xin việc, có bằng để hợp thức hóa các quy định về tuyển dụng” (Báo Tuổi Trẻ, 13-12-2010).
Nói như vậy thì quyết định của Đà Nẵng nhằm ngày càng hoàn thiện đội ngũ công chức là điều nên làm. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng đã khẳng định: Đà Nẵng không nói không hoàn toàn với bằng tại chức. Những người có bằng tại chức đang làm việc trong cơ quan Nhà nước vẫn tiếp tục làm việc, những người có bằng chính quy nhưng không làm đúng chuyên môn vẫn được khuyến khích học tại chức để làm tốt công việc hơn nữa. Như thế, thành phố rõ ràng không “cấm cửa” với văn bằng không chính quy, mà đây là một trong những giải pháp để tuyển dụng đội ngũ công chức chất lượng tốt, hướng đến việc phục vụ nhân dân tốt hơn.
Vấn đề là Đà Nẵng đã mạnh mẽ và đi tiên phong trong việc gióng lên hồi chuông với hệ đào tạo tại chức. Thậm chí, Đà Nẵng dường như đã nói hộ điều mà nhiều địa phương khác nghĩ đến nhưng chưa lên tiếng. Trong khi đó, vấn đề khá “nhạy cảm” này lại “chạm” đến Bộ GD-ĐT cũng như rất nhiều người đang theo học tại chức. Trên báo chí, Giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cũng vừa cảnh báo về đào tạo tại chức đang bị bóp méo vì lợi ích, chất lượng đào tạo tại chức kém xa chất lượng chính quy.
Cũng theo ông Thi, Bộ GD-ĐT cứ dẫn ra các văn bản pháp luật để nói về bình đẳng giữa chính quy và tại chức nhưng bình đẳng chỉ có nếu thực hiện nghiêm túc mọi quy định của pháp luật. Thực tế, việc tuyển sinh và đào tạo nghiêm túc đối với hệ tại chức ở nước ta hiện nay còn quá nhiều bất cập, đầu vào và đầu ra còn quá nhiều vấn đề, một phần do chạy theo đòi hỏi cung - cầu của xã hội một cách không “phanh”. Vì thế, việc điều chỉnh, khắc phục trong hình thức đào tạo này vẫn là chặng đường dài.
Thông điệp của Đà Nẵng có thể làm Bộ GD-ĐT “sốc”. Tuy nhiên, cách làm của Đà Nẵng không phải là “vạch áo” để “xem lưng” cấp quản lý. Chủ trương này cũng không được ban hành theo kiểu “quản lý không được thì cấm”, nghĩa là không kiểm soát được khâu tuyển dụng, không gạn được người dở thì cấm tất cả. Trên chặng đường xây dựng và phát triển, Đà Nẵng luôn chú trọng đến vấn đề đào tạo, thu hút nguồn nhân lực. Nhiều đề án, chủ trương, chính sách đã được ban hành, bổ sung trong những năm qua cùng với nguồn ngân sách đáng kể được đầu tư nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của người dân cũng như tốc độ phát triển của thành phố.
Điều mà dư luận mong đợi lúc này không phải là việc các nhà quản lý phê phán về cách làm của Đà Nẵng trong khi đội ngũ lãnh đạo của thành phố luôn dám nghĩ, dám làm với “tư duy vượt trước”. Ngay cả chủ trương gây tranh cãi này cũng xuất phát từ mục đích và mang ý nghĩa tốt đẹp: Phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, cũng không thể viện cớ được pháp luật thừa nhận mà cào bằng đối với bằng cấp chính quy và tại chức, mặc dù việc đa hình thức đào tạo là xu hướng chung của xã hội phát triển. Tất nhiên, dư luận có quyền lên tiếng, tranh luận, còn Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc nhìn lại “nồi cơm” tại chức, siết chặt đầu vào, quản lý nghiêm ngặt đầu ra, không thể thả nổi để tình trạng “loạn” bằng cấp như hiện nay.
Tú Phương