Vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ) tưởng chừng “đáng sợ” đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đưa lên sân khấu của những cuộc thi Chung tay phòng, chống BLGĐ. Các tình huống thường gặp như cha mẹ ép hôn con, chồng không cho vợ tham gia công tác xã hội, con cái không quan tâm đến mẹ già, hành vi ngăn cản người tố giác BLGĐ, v.v… xuất hiện trong các tiểu phẩm ngắn, dí dỏm. Hơn thế nữa, diễn viên và thí sinh tham gia tình huống lại là các cán bộ Hội Phụ nữ nên tính chân thực càng rõ nét hơn.
Xem những tiểu phẩm này, nhiều người như nhìn thấy chính mình hoặc chính hoàn cảnh gia đình mình trong đó. Đồng thời, họ vỡ ra rất nhiều điều đúng, sai, nên và không nên trong công tác phòng, chống BLGĐ dựa trên cơ sở luật pháp đã được Nhà nước ban hành.
Có thể nói việc phòng, chống BLGĐ đã biến thành những… liên hoan. Điều này tưởng chừng lạ mà không lạ. BLGĐ, suy cho cùng cũng là những chuyện diễn ra thường ngày như cơm ăn, nước uống. Nó hiện hữu dưới nhiều bộ dạng trong nếp nhà của chính chúng ta.
Đáng tiếc, những thông điệp nhẹ nhàng này lại được truyền quẩn quanh trong lớp cán bộ phụ nữ-những người vốn đã có hiểu biết nhất định về phòng, chống BLGĐ. Giá như, những hội thi như thế có nhiều hơn những người đàn ông cùng tham dự. Họ mới là đối tượng chính cần thay đổi suy nghĩ về BLGĐ. Chúng ta đều biết, hơn 90% vụ bạo hành hiện nay là do đàn ông gây nên.
Nhiều chị em tham dự hội thi tỏ ra vô cùng thích thú với cách tuyên truyền, vận động kiểu này. Nhưng họ còn mong muốn hơn thế nữa, đó là những tình huống về BLGĐ không chỉ được đưa lên sân khấu để các thí sinh tranh giải nhất, nhì, mà hằng ngày, hằng tuần, bật tivi lên, mọi người được xem những game show sinh động, gần gũi về đề tài phòng, chống BLGĐ. Đó là một con đường giúp chúng ta lĩnh hội các thông tin về BLGĐ mà không có cảm giác khô khan, chán ngắt. Đàn ông, phụ nữ, và nhất là các bạn trẻ - những người vốn yêu thích trò chơi trên truyền hình có thể thay đổi nhận thức về BLGĐ lúc nào không hay, biết đâu?
TOÀN VÂN