Bức thư thứ nhất: Tôi tên là Thái Tạo (tổ 18, phường Phước Mỹ-Sơn Trà). Tôi được biết hiện nay nhiều người cần giác mạc để chữa bệnh mù nhưng bệnh viện không đủ giác mạc để chữa. Tôi năm nay đã 83 tuổi rồi, sắp sang bên kia thế giới. Không biết giác mạc của tôi có giúp chữa được cho người mù không? Tôi xin tự nguyện hiến cho bệnh viện…
Bức thư thứ hai: Tôi tên là Lê Chí Bảng (sinh năm 1953, thường trú tổ 6, Thọ Quang, Sơn Trà). Tôi tự nguyện hiến toàn bộ cơ thể cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học ngành Y. Riêng các bộ phận nội tạng của tôi ưu tiên cho người nghèo phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) bởi vì những người dân Hòa Hải đã nuôi sống tôi trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Sau khi thực hiện ý nguyện trên của tôi, tôi nhờ chính quyền thành phố mai táng để gia đình tôi thờ tự tại nhà…
Đó là hai bức thư được viết rõ ràng với nét chữ to, mộc mạc vừa được gửi đến Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng. Ngay lập tức, người có nguyện vọng đã được nhận các thủ tục thực hiện việc đăng ký, di chúc để lại cho gia đình và nơi sẽ tiếp nhận bộ phận cơ thể cần hiến cho mục đích khoa học.
Đọc hai bức thư này, chúng ta không chỉ cảm động bởi tấm chân tình của hai bác, mà với những ai làm công tác vận động nhân đạo thì đây còn là niềm hạnh phúc và nguồn động lực lớn lao. Cách đây chưa lâu, nhiều người tỏ ra e dè trước việc hiến giác mạc, sợ “mai mốt không thấy đường về đám giỗ”. Thế mà hôm nay, Đà Nẵng đã có 2.842 tình nguyện viên tham gia hiến giác mạc. Bác Tạo là một trong số ấy. Nếu vận động hiến giác mạc khó một, thì vận động hiến xác, hiến tạng phải khó mười. Thế nhưng ngoài bác Bảng, Đà Nẵng cũng có 2 người nữa đã hoàn tất thủ tục làm việc này.
Danh sách người cần ghép tạng tại Việt Nam ngày một dài thêm. Các nhà khoa học nước ta hiện đã làm chủ được những kỹ thuật ghép tạng tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Từ thế kỷ trước, chúng ta đã quan tâm đến lĩnh vực này và gần 20 năm về trước Việt Nam đã thực hiện được ca ghép thận thành công đầu tiên. Điều còn lại ở đây là nguồn hiến tạng ở đâu? Khan hiếm, vẫn là câu trả lời chung cho thực trạng nhiều bệnh nhân đang sống dở, chết dở chỉ vì chưa có tạng ghép.
Cho đi một phần cơ thể không phải là sự mất mát hay thiếu hụt khi con người ta bước vào cõi vĩnh hằng, mà đó là sự sẻ chia người nhất, thật nhất. Việc làm của hai bác đã thể hiện một sự thay đổi trong nhận thức chung của xã hội và mở ra tia hy vọng cho những người đang trông chờ vào nguồn hiến tạng.
T.V