Những loạt bài trên Báo Đà Nẵng phản ánh tình trạng nhà siêu chật chỉ mới bóc tách một mảng vấn đề liên quan đến đời sống của người dân đô thị. Trên thực tế, chung quanh câu chuyện nhà siêu chật còn không ít chuyện cần bàn. Nhà chật chội, đông người chung sống, sinh hoạt bất tiện, mưu sinh khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn… là những hạn chế thấy rõ nhất khi sinh sống trong những ngôi nhà này. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là đa số những ngôi nhà siêu chật lại “cư ngụ” trong những khu dân cư cũng chật chội không kém. Đây là một trong những vấn đề khó khăn mà thành phố Đà Nẵng cần giải quyết khi muốn hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại trong những năm tới.
Vòng quanh một số khu vực ở Đà Nẵng dọc tuyến đường Điện Biên Phủ, Trần Cao Vân, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Hùng Vương… có thể thấy một số khu vực có mật độ dân cư sinh sống khá đông nhưng lại tập trung trong những căn nhà diện tích nhỏ, thậm chí chưa đến chục mét vuông trong các kiệt, hẻm chỉ rộng trên dưới 2 mét. Ông bà ta có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Thế nhưng với không ít hộ gia đình đang sống trong những căn hộ siêu chật như đã phản ánh thì chuyện lạc nghiệp quan trọng hơn là an cư. Một số hộ dân sống nhờ vào việc buôn bán nhỏ ở những khu vực trung tâm thành phố nên chỉ cần chỗ để đi về, cư ngụ hằng ngày và tiện lợi cho mưu sinh chứ ít nghĩ tới những tiện nghi vật chất, tinh thần. Có một điều dễ nhận thấy là phần lớn những khu dân cư này thường tập trung ở khu vực nội thành hoặc ngay trung tâm thành phố, thuận tiện cho chuyện làm ăn, buôn bán.
Ngay cả trẻ em sinh ra cũng mang tiếng có hộ khẩu ở quận trung tâm thành phố, được học những trường chất lượng hơn so với vùng ven đô thị, vì vậy, dù nhà chật nhưng vẫn chấp nhận sống. Còn nhớ, trước đây, khi chính quyền tiến hành khảo sát đời sống ở một số khu dân cư thu nhập thấp ở phường Hải Châu 1, phường Nam Dương thuộc quận Hải Châu chuẩn bị cho việc thực hiện Dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên, một số hộ dân mặc dù sống trong điều kiện chật chội, đường sá đi lại bất tiện nhưng vẫn bày tỏ ý muốn cư ngụ tại chỗ. Nếu chẳng may nhà họ buộc phải di dời để chuyển sang khu chung cư ở quận Ngũ Hành Sơn hoặc Sơn Trà thì không ít người vẫn băn khoăn, chưa quyết đi vì dù gì, ở trung tâm thành phố vẫn thuận tiện hơn.
Trong những năm qua, với nhiều chương trình cụ thể, kể cả Dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh việc cải thiện điều kiện sống trong những khu dân cư thu nhập thấp, nơi vẫn tồn tại khá nhiều căn nhà siêu chật. Nhưng rõ ràng, đây chưa hẳn là bài toán bền vững lâu dài. Vì với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, bên cạnh những khu dân cư mới khang trang, hiện đại, tiện ích, không thể cứ để tồn tại những khu vực dân cư quá chật chội, những kiệt, hẻm chỉ vừa đủ cho một hướng người lưu thông. Đó là chưa kể đến những điều nguy hiểm có thể xảy đến như cháy nổ, thiên tai, bệnh tật… mà việc cứu chữa rất khó khăn. Đó là chưa kể những nảy sinh phức tạp về trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường.
Mục tiêu của Đà Nẵng là xây dựng đô thị theo hướng hiện đại hóa và trong tương lai, rõ ràng chuyện cải tạo những khu dân cư chật chội, mở rộng kiệt hẻm nhỏ, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn những căn nhà siêu chật cũng phải tính đến. Tuy nhiên, giải quyết nhà siêu chật quả thực là một bài toán không đơn giản vì nó liên quan đến lợi ích của người dân và đến nguồn lực ngân sách của thành phố. Hẳn nhiên, trong xu hướng phát triển như hiện nay, chính quyền thành phố cũng dự trù kế hoạch quy hoạch cho những khu vực này, đến lúc đó, chắc hẳn người dân sẽ tự hào vì được sống trong một môi trường khang trang, hiện đại, được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới mà hiển hiện rõ nhất là sự cải thiện trong điều kiện nhà ở, trong sinh hoạt văn hóa tinh thần hằng ngày.
Hà An