.

Khát vọng và tỏa sáng

Đúng 20 giờ ngày 25-12-2010, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI đã chính thức khai mạc tại sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng. 3.000 vận động viên của 67 đoàn TDTT trên cả nước đã tề tựu đông đủ để cho Lễ khai mạc trở nên rất ấn tượng, hoành tráng và đầy màu sắc.

Mở đầu là màn trình diễn tiết mục dù bay của 6 phi công thuộc Binh chủng Phòng không - Không quân rước cờ Tổ quốc trên nền trời của sân vận động 30.000 chỗ không còn một ghế trống. Tiếp đó là các màn trình diễn của 900 diễn viên múa và học sinh với chủ đề “Chuyện tình Tiên Sa”, mong muốn thể hiện Khát vọng hướng đến sự cao thượng, với mục tiêu nhanh hơn, xa hơn, nhiều thành công trong sáng hơn nữa của nền TDTT nước nhà. Kết thúc buổi lễ là màn trình diễn của 1.600 học sinh, sinh viên với chủ đề Tỏa sáng.

Nhận xét buổi lễ khai mạc, báo Dân Trí cho rằng Ban Tổ chức và hàng ngàn VĐV, diễn viên đã thể hiện thật ấn tượng và độc đáo một “Đà Nẵng huyền thoại, năng động, tiềm năng và mến khách” (Dantri Online, 25-12-2010). Có thể nói rằng đó là nhận xét rất rõ và đủ đầy về Đà Nẵng năm 2010 thực sự tốc độ trong bứt phá, thật sự đáng phải tự hào trong rất nhiều thành công và có thật nhiều hy vọng tỏa sáng trong năm mới đang đến rất gần… Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần nhằm tổng kết, ghi nhận những tiến bộ của nền TDTT trong giai đoạn 2006-2010. Năm nay, do miền Trung bị lũ lụt

nặng nề và một phần cũng do Cung Thể thao Tiên Sơn (tổng đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng) bị chậm tiến độ nên đã phải lùi thời gian khai mạc Đại hội đến dịp cuối năm. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của chủ nhà và tinh thần đồng lòng, quyết tâm của hàng vạn con người đã mở đầu cho Đại hội thành công đúng như chờ đợi của tinh thần - khát vọng Đà Nẵng.

Bên cạnh khâu tổ chức chu đáo, mặc dù Đại hội mới diễn ra, nhưng đã có không ít những cảnh báo mà lãnh đạo các đoàn cũng như 3.000 VĐV phải hết sức chú ý. Theo ông Lê Quý Phượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT thì hầu như mỗi dịp thi đấu, “năm nào cũng có doping” (theo PL TP. HCM, 23-12-2010). Mặt khác, có những luật lệ quốc tế vẫn được ngành TDTT nước ta bỏ qua theo “nguyên tắc” (?) phép vua thua lệ làng, chẳng hạn, Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) đã có văn bản cấm sử dụng áo thi đấu công nghệ cao nhằm tạo ra sự sai lệch của thành tích ảo nhưng nhiều đoàn của Đại hội kỳ này vẫn tiếp tục sử dụng.

Thi đấu thể thao là nhằm mục đích nâng cao hơn nữa các cố gắng về thể lực để con người trở nên hoàn thiện hơn, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Nó còn là môi trường để nâng cao văn hóa sống lành mạnh, trong đó tính cao thượng, ngay thẳng, hết mình và ý chí của con người là điều nhất thiết phải được trân trọng. Vì những lẽ trên, nhất thiết phải có những biện pháp và chế tài nghiêm khắc để chấm dứt tệ nạn doping - không chỉ làm xấu đi vẻ đẹp vốn có của thể thao mà còn gây ra những cái nhìn sai lệch của cộng đồng quốc tế đối với thể thao Việt Nam. Nếu chỉ trông chờ vào ý thức của VĐV không thôi thì sự giả dối, bất công vẫn tiếp tục “thượng đài”. Cũng có nghĩa là không thể động viên, khuyến khích được sự trung thực và trong sáng mà, nếu không có chúng, thể thao trở nên sự nhàm chán, buồn tẻ…

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI như là một điểm nhấn cần thiết để miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng chuyển mình sang năm mới bằng khát vọng tỏa sáng mạnh mẽ, quyết tâm. Cuộc đua để vươn tới những đỉnh cao của thành công và hạnh phúc không bao giờ kết thúc. Hy vọng và tin tưởng rằng, từ Đại hội lần này, Đà Nẵng sẽ vươn xa hơn, nhanh hơn và bền vững, tốt đẹp hơn…

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.