.

Mừng Giáng sinh bình an, hạnh phúc!

Không khí mừng Giáng sinh đang rộn rã khắp nơi trên thế giới. Lướt trên đường phố Đà Nẵng trong những ngày này, có thể cảm và nhận được thật rõ ràng nét tươi mới, náo nức trên từng gương mặt. Đường phố đông vui.
 
Trời se lạnh nên các loại sắc màu của áo khoác, áo choàng càng tô điểm đẹp hơn cho những ngày cuối cùng của năm 2010, đón chào năm mới 2011. Ngắm nhìn khung cảnh ấy, không thể không đặt một câu hỏi: Trên cả nước Việt Nam, số lượng giáo dân chỉ chiếm khoảng 7% của gần 90 triệu dân. Ở Đà Nẵng cũng có khoảng 60.000 giáo dân, tức là cũng chiếm khoảng gần 7% trong số 900.000 dân. Vậy mà, 93% người dân theo các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào lại luôn chung vui, đồng hành, góp sức để cho Giáng sinh năm nào cũng hạnh phúc, an bình? Câu trả lời thật giản dị: Ở Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, luôn có sự tự do tín ngưỡng, sự không phân biệt đối xử với bất kỳ tôn giáo nào. Bởi vì, đó là cội nguồn để cho Giáng sinh, năm nào cũng thế-trở thành lễ hội của tất cả mọi người…

Ngay từ khi chưa thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), trong Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng “Toàn thể dân tộc Việt Nam không phân biệt già, trẻ, trai gái; không phân biệt tôn giáo, đảng phái. Hễ là người Việt Nam ai cũng phải có nghĩa vụ cứu nước...”. Lời tuyên bố đó là kim chỉ nam, là nguyên tắc của Nhà nước ta.

Quan điểm nhất quán trên càng được cụ thể hóa, thiết thực hóa nhiều hơn, giàu ý nghĩa hơn trong những năm qua. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã cấp đăng ký hoạt động và công nhận tư cách pháp nhân cho 16 tổ chức tôn giáo, nâng tổng số lên 32 tổ chức tôn giáo thuộc 12 tôn giáo khác nhau. Đặc biệt, Nhà nước đã cấp đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo như Học viện Phật giáo Hà Nội, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Cần Thơ, Giáo xứ La Vang… Những động thái tích cực đó đã phản ánh rất rõ sự tôn trọng của Nhà nước đối với tôn giáo.

Tất nhiên, sự phức tạp của đời sống con người là điều ai cũng biết. Thời nào hay ở đâu cũng có những mưu toan đen tối của sự thù địch hoặc mưu tính quyền lực. Lợi dụng sự phức tạp của xã hội, tính cả tin của con người, sự thiếu hiểu biết đầy đủ về những thông tin cần thiết cũng như ý thức công dân chưa hoàn thiện, các thế lực thù địch luôn kích động để chia rẽ khối đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nói như thế để biết rằng sự thiếu hiểu biết của một số người dân ở Cồn Dầu đã gây ra những hiểu lầm không đáng có. Thực tế chỉ ra rằng di dời một bộ phận dân cư để phục vụ lợi ích tổng thể, bền vững là điều mà chế độ xã hội nào cũng phải làm. Tình cảm quyến luyến với nơi chôn nhau cắt rốn là điều đáng trân trọng, những khó khăn trong việc di chuyển là điều phải được xem xét đủ đầy. Nắm vững những nhu cầu đó của người dân, UBND thành phố Đà Nẵng đã tạo điều kiện tốt nhất, mức đền bù thỏa đáng nhất (có ưu đãi) cho cư dân Cồn Dầu… Tin tưởng rằng, Lễ Giáng sinh là lúc con người có thể tha thứ cho nhau, đối xử tốt với nhau như lòng Chúa vẫn hằng mong. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau gác lại những bất đồng để cùng tìm hiểu, thông cảm  về điều nên, cái đúng như cha ông vẫn dạy: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người”. Chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn đem lại cho người dân tất cả những gì có thể, sao cho mọi công dân đều có được sự hài lòng, hạnh phúc.

Năm 2010 là năm đáng nhớ của mỗi người dân Đà Nẵng: Những thành công cứ liên tục song hành với sự nỗ lực, đồng lòng. Những cây cầu mới, những khu đô thị mới sẽ vẫn tiếp tục hình thành, vươn cao. Sẽ có những bất đồng khi chúng ta đổi thay và phát triển nhưng nếu vì mục đích tối thượng là đoàn kết để cùng xây hạnh phúc thì con người phải thương yêu nhau, phải tha thứ cho nhau những lỗi lầm, đúng như Đức Chúa đã dạy.

Xin chúc một Giáng sinh an lành, hạnh phúc: “Phần ta, ta hãy yêu mến, vì Người đã yêu mến Ta trước hết”...

HÀ VĂN THỊNH
;
.
.
.
.
.