Báo Đà Nẵng số ra ngày 14-12-2010 có bài viết của tác giả Hà An nói về khoản “nợ khó đòi” mà không ít hộ gia đình thuê chung cư hiện nay không chịu… trả (!).
Theo ông Nguyễn Công Lang, Giám đốc Công ty Quản lý nhà thì số tiền đó mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng. Đó là số tiền không lớn nhưng cũng không hề nhỏ. Thế nhưng, cái quan trọng hơn và lớn hơn rất nhiều lần là trong xã hội ta ngày nay nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã và đang hình thành - “mặc nhiên” tồn tại, hội chứng nợ khó đòi. Xét về hệ lụy kinh tế - xã hội thì “câu chuyện” vài tỷ đồng không hề nhỏ một chút nào…
Trước hết, không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng “không trả nhưng không thể làm gì được” vì không có chế tài (?). Tại sao chưa ban hành một quy định nhằm chấm dứt mọi sự chây ỳ phản văn hóa về chuyện ở thì cứ ở nhưng không chịu tốn tiền? Mức giá cho thuê nhà của Đà Nẵng chỉ bằng 50% so với giá quy định của Bộ Xây dựng (4.000 đồng/m2 so với 8.000 đồng/m2).
Sự cố gắng đó của chính quyền thành phố vì người dân (người nghèo) không hề được hiểu theo nghĩa tích cực mà dường như đang bị phản tác dụng khi những hộ dân thuê nhà cứ “tự nhiên” cho rằng giá thấp có nghĩa là họ đã bị thiệt thòi nhiều nên chính quyền bù lỗ? Có câu chuyện cổ nói rằng nếu giá cả bất bình thường thì sự hiểu sai về nghĩa cử, lòng tốt còn tai họa hơn cả việc đề ra một mức giá đúng cho mọi sự vật theo nguyên tắc tiền nào của nấy.
Chẳng hạn, giá thuê một căn phòng 20m2 của sinh viên hiện nay là 600.000 đồng/ tháng – tức là 30.000 đồng/m2. Tại sao những hộ gia đình được ưu đãi mức thuê nhà thấp hơn gần 8 lần mà vẫn “không” hay biết cái nghịch lý của cuộc sống và, cái lẽ đúng của cuộc đời về những tiện ích công mà họ đang sử dụng?
Việc các hộ dân thuê chung cư không chịu trả tiền thuê nhà gây ra những phản cảm và tâm lý chây ỳ rất nguy hại về mặt văn hóa sống. Công ty Quản lý nhà sẽ không có tiền để duy tu, bảo dưỡng – có nghĩa là những người trả đủ tiền nhà bị thiệt thòi. Sự xuống cấp của những căn nhà chung cư đó tỷ lệ thuận với sự xuống cấp (nhanh hơn, trầm trọng hơn) về ý thức công dân, ý thức cộng đồng. Nếu mọi sự chây ỳ, liều lĩnh nhỏ không bị “trừng phạt”, chế tài thỏa đáng thì những sự lì lợm nghiêm trọng của nhận thức sống sẽ phát tác. “Vua thua thằng liều” là “nguyên tắc” nhất thiết phải được tẩy chay vì nó là căn bệnh trầm kha của mọi xã hội văn minh. Mặt khác, nếu cái gì cũng có thể xuê xoa, dễ hóa thành bùn thì sự trì trệ của xã hội là điều có thể hình dung được.
Cách đây mấy năm, hai nhà tội phạm học người Mỹ là James Q. Wilson và George Kelling đã đề ra lý thuyết về “những cánh cửa sổ vỡ” (Broken Windows). Theo lý thuyết trên, nếu các cánh cửa sổ bị phá hỏng hay hư hại mà không ai quan tâm, không ai chịu trách nhiệm. Rồi, cứ thế, những cánh cửa sổ khác sẽ tiếp tục hư, tạo nên tâm lý về sự vô chủ, hỗn loạn lan rộng – tức là sự chây ỳ hay thiếu trách nhiệm là “những tấm vé qua cửa” cho những sai lầm và tội ác ngày càng nghiêm trọng hơn… Nói một cách ẩn dụ, hội chứng nợ khó đòi (hay những gì tương tự) là “điểm bùng phát” của sự ỷ lại, vô trách nhiệm của ý thức sống. Ngăn chặn chúng là điều nhất thiết cần làm; vì có như thế, ý thức vô tổ chức, ích kỷ, mới có thể được sự tiến bộ và văn hóa đẩy lùi.
Các “chế tài” được “gợi ý” như cắt điện, nước để cho nợ khó đòi thành dễ đòi hơn là cách làm bị động, nếu không muốn nói là nó thiếu tính nhân văn cũng như bộc lộ sự thỏa hiệp giữa chính quyền với những điều sai. Chính quyền không thể thỏa hiệp với mọi sự sai trái, vi phạm luật pháp, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng. Chính vì thế, hãy coi chuyện “nợ khó đòi” trong thuê nhà chung cư là một chỉ dấu, một bước đột phá để chấm dứt những sự chây ỳ vô lối.
Hà Văn Thịnh