.

Phụ nữ tham chính

Trước tiên cần phải nói ngay để tránh ngộ nhận là giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị không chỉ được thể hiện qua việc tham gia của một thiểu số phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
 
Giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị trước hết phải được hiểu là sự bình đẳng giới trong lĩnh vực này đối với đông đảo phụ nữ, chẳng hạn như đông đảo phụ nữ có quyền được tham gia các cuộc phổ thông đầu phiếu hay không, đông đảo phụ nữ có bình đẳng về cơ hội vào Đảng hay tìm kiếm việc làm phù hợp với sở trường/sở thích hoặc được học tập nâng cao trình độ mọi mặt hay không... Đấy mới là những cái đích thực sự của bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý dẫu mạnh mẽ và hiệu quả đến mấy cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không đạt được những cái đích thực sự ấy.

Tất nhiên việc tham gia của một thiểu số phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng là điều kiện thuận lợi để đạt đến mục tiêu đông đảo phụ nữ có quyền được tham gia các cuộc phổ thông đầu phiếu, đông đảo phụ nữ được bình đẳng về cơ hội vào Đảng hay tìm kiếm việc làm phù hợp với sở trường/sở thích hoặc được học tập nâng cao trình độ mọi mặt… Vì thế cũng rất nên bàn giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và điều quan trọng hơn là tổ chức triển khai những giải pháp ấy trong thực tiễn theo phương châm nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, không nóng vội duy ý chí cũng không thụ động ngồi chờ. Sở dĩ nói điều quan trọng hơn là tổ chức triển khai những giải pháp ấy trong thực tiễn bởi có thể sẽ chẳng có thêm giải pháp nào mới mẻ, chung quy cũng là tạo nguồn quy hoạch, là đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu quy hoạch, là sắp xếp vào vị trí đã quy hoạch, là tiếp tục tạo nguồn quy hoạch ở vị trí cao hơn…

Tổ chức triển khai giải pháp tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ như thế nào? Trước hết là phải phân cấp quản lý quy hoạch theo hướng thấp hơn phân cấp quản lý cán bộ một chức danh. Chẳng hạn hiện nay Thành ủy đang trực tiếp quản lý hai chức danh giám đốc sở/phó giám đốc sở thì sẽ trực tiếp quản lý quy hoạch đến chức danh trưởng phòng thuộc sở. Nguồn trưởng phòng là nữ không có/không nắm được thì khó có giám đốc sở/phó giám đốc sở là nữ. Thứ hai là phải phân biệt đưa vào quy hoạch với đưa vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Quy hoạch thiên về triển vọng/tiềm năng cho nên tiêu chuẩn lựa chọn cũng phải phù hợp, không thể/không cần yêu cầu cao như tiêu chuẩn đề bạt/bổ nhiệm. Chính vì thiếu sự phân biệt này mà khó có thể tạo nguồn nữ cán bộ để đưa vào quy hoạch.

Tổ chức triển khai giải pháp đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ như thế nào? Khái niệm “theo yêu cầu” ở đây mang tính cá thể cao, từng người một, ai thiếu/yếu mặt nào thì sẽ đưa đi đào tạo bồi dưỡng ở mặt đó, chẳng hạn thiếu tư duy lý luận/kiến thức lý thuyết sẽ được đi đào tạo bồi dưỡng về tư duy lý luận/kiến thức lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tiễn sẽ được đi thâm nhập thực tiễn để có kinh nghiệm… Xin nói thêm là đang có xu hướng sau-đại-học-hóa trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói chung/cán bộ nữ nói riêng.
 
Trừ một số ngành đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải có chuyên môn sâu và vì thế cần có học vị cao hơn học vị cử nhân, còn nói chung người lãnh đạo, quản lý chỉ cần có học vị cử-nhân-cho-ra-cử-nhân là đủ. Đó là nền tảng học vấn để tiếp tục được đào tạo bồi dưỡng những kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý như là kỹ năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch trong điều kiện kế hoạch luôn biến động, hay kỹ năng điều hành/tổng kết hội nghị, hoặc kỹ năng hùng biện trong vận động/thuyết phục công chúng, hoặc kỹ năng làm việc nhóm và đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống...

Tổ chức triển khai giải pháp sắp xếp vào vị trí lãnh đạo, quản lý đã quy hoạch đối với cán bộ là nữ như thế nào? Câu trả lời là phải “ba đúng”: đúng người/đúng việc/đúng lúc. Đúng người là kết quả của một sự lựa chọn không chỉ giữa cán bộ nữ nào đó với các đồng sự nam mà còn với các đồng sự nữ, bởi cán bộ trong diện lựa chọn không phải chỉ một hoặc hai người và tất cả đều được đưa vào quy hoạch, đều được đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu quy hoạch. Đúng việc là sự tương thích một cách tối ưu giữa việc với người, người nào vào việc ấy.
 
Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi phải sắp xếp vượt cấp vào vị trí lãnh đạo, quản lý cấp trưởng và chỉ cấp trưởng mà thôi đối với một số trường hợp do tính cách cá nhân khó có thể phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý cấp phó - nếu bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý cấp phó thì không đúng người/đúng việc. Đúng lúc là vấn đề thời gian, không sớm quá cũng không muộn quá. Hiện nay nói chung tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ sớm hơn tuổi nghỉ hưu của cán bộ nam cùng tuổi đến 5 năm, vì thế khi triển khai giải pháp sắp xếp vào vị trí lãnh đạo, quản lý đã quy hoạch đối với cán bộ là nữ không thể không xem xét thật kỹ yêu cầu đúng lúc. Đối với không ít trường hợp muộn thời gian đồng nghĩa với mất thời cơ. 

Tổ chức triển khai giải pháp tiếp tục tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn là bắt đầu một chu kỳ mới, tất nhiên với yêu cầu về tiêu chuẩn lựa chọn cao hơn. Điều đó cũng có nghĩa rằng không phải ai được sắp xếp vào vị trí lãnh đạo, quản lý đã quy hoạch đều được tiếp tục tạo nguồn quy hoạch ở vị trí cao hơn. Có nhiều khi cũng là được tiếp tục tạo nguồn quy hoạch nhưng không phải ở vị trí cao hơn mà là ở vị trí tương đương nhằm điều chỉnh sự bất cập về đúng người/đúng việc hoặc nhằm thay đổi môi trường công vụ/chống nguy cơ nhàm chán trong công việc hằng ngày ở bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ...

Vấn đề cuối cùng được đặt ra trong quá trình tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý là vai trò của bản thân cán bộ nữ. Có thể nói bản thân cán bộ nữ có vai trò hầu như quyết định trong quá trình này trên cả hai bình diện: đối với mình và đối với đồng sự cùng giới. Đối với mình tức cán bộ nữ tự khẳng định về phẩm chất và năng lực của bản thân là hoàn toàn xứng đáng được lựa chọn đưa vào quy hoạch và sắp xếp vào vị trí lãnh đạo, quản lý; đồng thời tự đào tạo bồi dưỡng những khía cạnh mà bản thân còn bất cập để giao giữ trọng trách mới. Đối với đồng sự cùng giới tức cán bộ nữ phải có sự tôn vinh lẫn nhau, hết sức tránh tình trạng níu kéo nhau giữa cán bộ nữ và xem thái độ ứng xử ấy như  một cách khẳng định phẩm chất lãnh đạo của mình.

BÙI VĂN TIẾNG
;
.
.
.
.
.