.

Biển Đà Nẵng

Trong tuần qua, Báo Đà Nẵng liên tục đưa nhiều tin liên quan đến quản lý, khai thác các bãi biển của thành phố theo hướng tích cực. Theo đó, Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch sẽ khoan bổ sung hệ thống giếng ngầm, xây bể chứa nước dung lượng lớn, bảo đảm đủ nước ngọt phục vụ nhân dân và du khách tắm biển vào mùa cao điểm 2011; thống nhất mức giá giữ xe và dịch vụ giữ đồ chung tại các bãi tắm…

Để ngăn chặn tình trạng mất trật tự do tranh giành khách, giải quyết tình trạng quá tải tại các điểm giữ xe trong mùa hè, BQL còn kiến nghị UBND thành phố giao cho UBND các quận quy hoạch, sắp xếp, đăng ký và thu phí các điểm giữ xe ở vỉa hè các khu đất trống phía Tây các tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa.

Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đồng ý giao BQL làm chủ đầu tư xây lắp các loại xe bán thức ăn lưu động theo mẫu thiết kế có bánh dọc các bãi tắm, nhằm khắc phục việc buôn bán hàng rong nhếch nhác mất vệ sinh lâu nay. BQL cũng phối hợp với các đơn vị liên quan chọn 2 đến 3 địa điểm xây dựng thí điểm Trạm cứu hộ ven biển theo mẫu mới. Trong năm 2011, sẽ có 16 trạm được xây dựng kiên cố, bảo đảm độ an toàn và phù hợp với cảnh quan ở các bãi  biển du lịch, thay thế cho các trạm cứu hộ cũ trên các bãi tắm…

Về mặt quản lý Nhà nước, từ mấy năm nay, các bãi biển Đà Nẵng ngày càng trở nên an toàn hơn, sạch đẹp hơn, tạo sự an tâm tương đối cho khách du lịch và người dân địa phương. Những nỗ lực trên đang tiếp tục theo hướng này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu một số mô hình quản lý các bãi biển trên thế giới thì thấy rằng, những bước đi trong quản lý bãi tắm biển ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc đáng bàn.

Các bãi tắm cần nhiều thông tin cụ thể hơn cho du khách và người tắm biển về nhiệt độ nước, độ cao của sóng biển từng giờ và các cảnh báo cần thiết. Các loại hình dịch vụ về thể thao biển, và các hình thức tập luyện liên quan như Yoga, Taichi, bóng chuyền bãi biển, lặn biển, dù lượn… được tổ chức thành các khu riêng biệt và theo hướng đầu tư tư nhân. Ở một số bãi biển ở nước ngoài còn có đồn cảnh sát riêng để quản lý trật tự và được thông báo số điện thoại công khai tại bãi giữ xe, trong đó có bãi giữ xe cho người tàn tật. Có nơi còn có câu lạc bộ ghi nhận lịch sử phát triển, những dấu ấn trong quá trình phát triển.

Thiết nghĩ, các bãi biển Đà Nẵng thừa sức tổ chức các mô hình theo hướng tư nhân hóa như vậy để làm phong phú hơn các hoạt động, các sản phẩm giải trí-du lịch liên quan. BQL bãi tắm sẽ tập trung vào quản lý Nhà nước hơn là các hoạt động có thu vượt quá khả năng và hạn chế sự tập trung vào nhiệm vụ chính. Có thể huy động tư nhân xây dựng các trung tâm huấn luyện bóng chuyền bãi biển, huấn luyện lướt ván, lặn biển, dù lượn, tập yoga, massage, các shop bán đồ thể thao biển… Giao cho địa phương liên quan tôn tạo các miếu thờ cá ông với các thông tin văn hóa-lịch sử của các cộng đồng cư dân ven biển, các lễ hội cầu ngư, xây dựng một bảo tàng nghề cá ven biển và một trung tâm mua sắm cách bãi tắm, gần nơi đỗ xe để du khách có thể mua sắm ngay khi lên bờ...

Làm được những việc đó sẽ tạo ra các bãi tắm có nhiều dịch vụ phong phú hơn; người đi biển không chỉ đi tắm mà còn có được nhiều sinh hoạt thích thú và lôi cuốn hơn. Một Việt kiều làm du lịch ở Thái Lan là anh Thovorn Nguyễn nhiều lần đưa du khách Thái đến Đà Nẵng từng phản ảnh ý kiến của khách hàng là: Biển Đà Nẵng rất đẹp, nhưng đến chỉ để tắm và ăn vài món hải sản, thì phí quá!                 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.